Thông tư 22/2013/TT-BYT Hướng dẫn đào tạo liên tục trong lĩnh vực y tế

  • Phát hành Bộ Y tế
  • Đánh giá 2 đánh giá
  • Lượt tải 625
  • Sử dụng Miễn phí
  • Dung lượng 71 KB
  • Cập nhật 27/08/2013

Giới thiệu

Thông tư 22/2013/TT-BYT hướng dẫn đào tạo liên tục trong lĩnh vực y tế Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------------

Số: 22/2013/TT-BYT

Hà Nội, ngày 09 tháng 8 năm 2013

 THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN ĐÀO TẠO LIÊN TỤC TRONG LĨNH VỰC Y TẾ

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009 và Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục và Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn đào tạo liên tục trong lĩnh vực y tế.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc đào tạo liên tục, tổ chức, quản lý đào tạo liên tục trong lĩnh vực y tế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với:

a) Cán bộ y tế đang làm việc tại các cơ sở y tế trong toàn quốc.

b) Các cơ sở đào tạo liên tục trong lĩnh vực y tế.

2. Thông tư này không áp dụng cho các khóa đào tạo để nhận văn bằng thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các loại hình đào tạo đặc thù của ngành y tế: chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, bác sỹ nội trú.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đào tạo liên tục là các khoá đào tạo ngắn hạn, bao gồm: đào tạo bồi dưỡng để cập nhật kiến thức, kỹ năng, thái độ thuộc lĩnh vực chuyên môn đang đảm nhận; đào tạo lại, đào tạo theo nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, đào tạo chuyển giao kỹ thuật và các khóa đào tạo chuyên môn nghiệp vụ khác của ngành y tế mà không thuộc hệ thống văn bằng giáo dục quốc dân.

2. Cơ sở đào tạo liên tục là các bệnh viện, viện có giường bệnh; viện nghiên cứu; các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp/dạy nghề y tế; các cơ sở giáo dục khác có đào tạo mã ngành thuộc khối ngành khoa học sức khỏe; các trung tâm có đào tạo nhân lực y tế, được Bộ Y tế thẩm định và công nhận theo quy định tại Thông tư này.

3. Cán bộ y tế là công chức, viên chức, người đang làm chuyên môn nghiệp vụ trong các cơ sở y tế.

4. Mã cơ sở đào tạo liên tục là hệ thống ký hiệu để phân loại và quản lý các cơ sở đào tạo liên tục được Bộ Y tế công nhận.

Chương II

ĐÀO TẠO LIÊN TỤC

Điều 4. Nghĩa vụ đào tạo liên tục

1. Cán bộ y tế làm việc trong các cơ sở y tế phải có nghĩa vụ tham gia các khóa đào tạo liên tục nhằm đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhiệm.

2. Việc thực hiện nghĩa vụ đào tạo liên tục là một trong những tiêu chí để thủ trưởng đơn vị đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và quá trình phát triển nghề nghiệp của cán bộ y tế.

3. Cán bộ y tế là người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không thực hiện đủ nghĩa vụ đào tạo trong 2 năm liên tiếp theo qui định tại Thông tư này còn bị thu hồi chứng chỉ hành nghề theo qui định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

4. Cán bộ y tế đang tham gia các khóa đào tạo dài hạn trong và ngoài nước liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận không phải thực hiện nghĩa vụ đào tạo liên tục theo Thông tư này.

5. Người đứng đầu cơ sở y tế có trách nhiệm tạo điều kiện để cán bộ y tế được tham gia các khóa đào tạo liên tục.

Điều 5. Thời gian đào tạo liên tục

1. Cán bộ y tế đã được cấp chứng chỉ hành nghề và đang hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có nghĩa vụ tham gia đào tạo liên tục tối thiểu 48 tiết học trong 2 năm liên tiếp.

2. Cán bộ y tế không thuộc trường hợp qui định tại Khoản 1 Điều này có nghĩa vụ tham gia đào tạo liên tục tối thiểu 120 tiết học trong 5 năm liên tiếp, trong đó mỗi năm tối thiểu 12 tiết học.

3. Cán bộ y tế tham gia các hình thức đào tạo liên tục khác nhau được cộng dồn để tính thời gian đào tạo liên tục.

Điều 6. Các hình thức đào tạo liên tục và nguyên tắc qui đổi

1. Tập huấn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngắn hạn trong và ngoài nước theo hình thức tập trung hoặc trực tuyến (E-learning) được cấp chứng chỉ, chứng nhận, xác nhận: thời gian tham gia đào tạo liên tục được tính theo thực tế chương trình đào tạo.

2. Hội thảo, hội nghị, tọa đàm khoa học trong và ngoài nước về lĩnh vực chuyên môn y tế có xác nhận của đơn vị chủ trì tổ chức căn cứ vào chương trình của hội thảo, hội nghị, tọa đàm: thời gian tham gia đào tạo được tính cho người chủ trì hoặc có bài trình bày tối đa 8 tiết học và người tham dự tối đa 4 tiết học cho mỗi hội thảo/hội nghị/tọa đàm.

3. Thực hiện nghiên cứu khoa học; hướng dẫn luận án, luận văn; viết bài báo khoa học đã được công bố theo qui định: được tính tối đa 12 tiết học cho người hướng dẫn luận án, chủ trì/thư ký đề tài cấp Nhà nước hoặc cấp Bộ; 8 tiết học cho hướng dẫn luận văn hoặc chủ trì/thư ký đề tài cấp cơ sở (tính tại thời điểm luận văn được bảo vệ thành công hoặc đề tài được nghiệm thu đạt).

4. Biên soạn giáo trình chuyên môn được tính tối đa không quá 8 tiết đối với 1 tài liệu do người đứng đầu đơn vị xem xét (tính vào thời điểm xuất bản); cán bộ y tế không phải là giảng viên của cơ sở giáo dục tham gia giảng dạy liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ được tính theo thời gian thực tế.

5. Hình thức đào tạo liên tục qui định tại Khoản 1 Điều này phải có chương trình và tài liệu đào tạo được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Điều 7. Chương trình và tài liệu đào tạo liên tục

1. Chương trình và tài liệu đào tạo liên tục do cơ sở đào tạo xây dựng phải được thẩm định, ban hành theo quy định tại Điều 8 Thông tư này trước khi triển khai đào tạo.

2. Nội dung chương trình và tài liệu đào tạo liên tục phải được cập nhật liên tục để bảo đảm tính khoa học, phù hợp với nhu cầu thực tiễn; trong thời gian tối đa 5 năm phải được xem xét, chỉnh sửa và bổ sung.

3. Chương trình đào tạo liên tục có các mục sau:

a) Tên khoá học và giới thiệu chung về khóa học;

b) Mục tiêu khóa học (về kiến thức, thái độ, kỹ năng);

c) Đối tượng, yêu cầu đầu vào đối với học viên;

d) Chương trình chi tiết (cụ thể đến tên bài, tiết học);

đ) Tên tài liệu dạy - học chính thức và tài liệu tham khảo;

e) Phương pháp dạy - học;

g) Tiêu chuẩn giảng viên và trợ giảng;

h) Thiết bị, học liệu cho khóa học (kể cả thực hành lâm sàng);

i) Hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình;

k) Đánh giá và cấp giấy chứng nhận đào tạo liên tục.

4. Tài liệu dạy - học:

a) Căn cứ vào chương trình đào tạo đã được phê duyệt, cơ sở đào tạo xây dựng (hoặc lựa chọn) tài liệu dạy - học cho phù hợp.

b) Tài liệu dạy - học được cấu trúc theo từng bài. Trong mỗi bài cần có các phần: mục tiêu, nội dung, lượng giá. Các bài thực hành cần nêu rõ kỹ thuật, thủ thuật cần thực hiện và yêu cầu cần đạt được.

c) Tài liệu cho các khóa đào tạo giảng viên: ngoài các tài liệu cho học viên, khuyến khích có thêm tài liệu hướng dẫn giảng viên.

d) Khi sử dụng tài liệu đã xuất bản của các cơ sở đào tạo có uy tín ở trong và ngoài nước, Thủ trưởng cơ sở đào tạo liên tục cần xem xét và quyết định.

5. Cơ sở đào tạo liên tục xây dựng chương trình đào tạo theo hướng sau:

a) Các chương trình đào tạo liên tục có thời gian từ 3 tháng trở lên và nội dung chuyên môn sâu nên thiết kế để có thể liên thông với các chương trình đào tạo sau đại học như chuyên khoa I, chuyên khoa II.

b) Xây dựng chương trình đào tạo trực tuyến (E-learning) đối với những nội dung đào tạo phù hợp.

Điều 8. Thẩm định và ban hành chương trình, tài liệu đào tạo liên tục

Chương trình và tài liệu đào tạo liên tục phải được cấp có thẩm quyền thẩm định, ban hành trước khi tổ chức đào tạo, cụ thể như sau:

1. Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quyết định thành lập Hội đồng thẩm định chương trình và tài liệu đào tạo liên tục của tỉnh; chỉ định chủ tịch Hội đồng; hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng và trung cấp y tế của tỉnh là phó chủ tịch, cán bộ phụ trách đào tạo liên tục của Sở Y tế là thư ký.

Giám đốc Sở Y tế phê duyệt chương trình và tài liệu dạy - học của các cơ sở đào tạo liên tục thuộc thẩm quyền quản lý trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thẩm định chương trình và tài liệu. Thời gian thẩm định không quá 30 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ của đơn vị.

2. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp/dạy nghề y tế; các cơ sở giáo dục khác có đào tạo mã ngành thuộc khối ngành khoa học sức khỏe và các bệnh viện, viện có giường bệnh, viện nghiên cứu có trung tâm đào tạo hoặc được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học phê duyệt chương trình và tài liệu đào tạo liên tục tương ứng với mã đào tạo đã được giao trên cơ sở thẩm định của Hội đồng do đơn vị thành lập.

3. Bộ Y tế giao Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo phê duyệt chương trình, tài liệu của các cơ sở đào tạo liên tục không thuộc Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án y tế trong, ngoài nước, các hội nghề nghiệp và theo đề nghị của đơn vị trên cơ sở thẩm định của Hội đồng chuyên môn cấp Bộ hoặc có thể phân cấp cho đơn vị tổ chức thẩm định, phê duyệt trong trường hợp cần thiết. Thời gian hoàn thành việc thẩm định không quá 30 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ.

Điều 9. Giảng viên đào tạo liên tục

1. Các khóa đào tạo liên tục phải bố trí đủ giảng viên, trợ giảng đạt tiêu chuẩn để bảo đảm chất lượng đào tạo.

2. Giảng viên đào tạo liên tục là người có trình độ, kinh nghiệm, chuyên môn phù hợp và được đào tạo về phương pháp dạy - học y học.

3. Giảng viên dạy lâm sàng phải là những người có kinh nghiệm thực tế trong công tác khám bệnh, chữa bệnh và được đào tạo về phương pháp giảng dạy lâm sàng.

Chương III

TỔ CHỨC, QUẢN LÝ ĐÀO TẠO LIÊN TỤC

Điều 10. Mã cơ sở đào tạo liên tục

1. Mã A gồm các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp/dạy nghề y tế và các cơ sở giáo dục khác có đào tạo mã ngành thuộc khối ngành khoa học sức khỏe.

2. Mã B gồm các bệnh viện, viện có giường bệnh, viện nghiên cứu ở cấp Trung ương; các hội nghề nghiệp có phạm vi hoạt động cả nước và các trung tâm có đào tạo nhân lực y tế có đủ điều kiện làm công tác đào tạo liên tục.

3. Mã C gồm Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị thuộc Sở Y tế; y tế các Bộ, Ngành.

Điều 11. Thủ tục cấp mã cơ sở đào tạo liên tục

Bộ Y tế thẩm định các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo trước khi quyết định cấp mã đào tạo liên tục cho các cơ sở đào tạo, cụ thể như sau:

1. Cơ sở đào tạo liên tục gửi hồ sơ đề nghị cấp mã về Bộ Y tế. Thời gian thẩm định và cấp mã số không quá 30 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ theo dấu công văn đến của Bộ Y tế. Trường hợp chưa đủ điều kiện để cấp, Bộ Y tế phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Hồ sơ đề nghị cấp mã số đào tạo liên tục gồm:

a) Thuyết minh về năng lực chuyên môn;

b) Chương trình đào tạo;

c) Tài liệu dạy - học tương ứng với chương trình đào tạo;

d) Danh sách trích ngang giảng viên, phù hợp về cơ cấu và trình độ;

đ) Phương án tổ chức và quản lý về đào tạo liên tục, trong đó chỉ rõ tên của lãnh đạo phụ trách, cán bộ chuyên trách và các hội đồng;

e) Thuyết minh cơ sở vật chất, cơ sở thực hành, trang thiết bị phục vụ đào tạo liên tục.

Điều 12. Xây dựng và phê duyệt kế hoạch đào tạo liên tục

1. Các cơ sở đào tạo liên tục có trách nhiệm xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đào tạo liên tục:

a) Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt kế hoạch đào tạo liên tục 5 năm của Bộ Y tế và của các cơ sở đào tạo liên tục trực thuộc Bộ Y tế.

b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt hoặc ủy quyền cho Sở Y tế phê duyệt kế hoạch đào tạo liên tục 5 năm của tỉnh và các cơ sở đào tạo liên tục trực thuộc Sở Y tế.

c) Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, Ngành phê duyệt kế hoạch đào tạo liên tục 5 năm của các đơn vị đào tạo liên tục thuộc Bộ, Ngành.

d) Thủ trưởng các cơ sở đào tạo liên tục tổ chức xây dựng, phê duyệt kế hoạch đào tạo liên tục hằng năm của đơn vị trên cơ sở kế hoạch 5 năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 13. Triển khai đào tạo liên tục

1. Sau khi kế hoạch đào tạo liên tục hằng năm của đơn vị đã được phê duyệt, cơ sở đào tạo liên tục thông báo công khai, rộng rãi các khóa học do đơn vị tổ chức để người học chủ động lựa chọn, bố trí kế hoạch tham dự.

2. Cơ sở đào tạo liên tục báo cáo cấp có thẩm quyền về kế hoạch tổ chức, tên khóa học, dự kiến số học viên, chương trình và tài liệu đào tạo.

3. Các khóa đào tạo liên tục chỉ được triển khai khi có đủ chương trình, tài liệu đã phê duyệt; đủ giảng viên; cán bộ quản lý; thiết bị dạy - học đáp ứng yêu cầu của chương trình và báo cáo kế hoạch cho cơ quan có thẩm quyền.

Download file tài liệu để xem thêm chi tiết