Chỉ thị về việc nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát doanh nghiệp vốn Nhà nước Văn bản pháp luật nhà nước

Giới thiệu

Chỉ thị 22/2012/CT-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố. 

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

-----------------------
Số: 22/2012/CT-UBND
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------------
           Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 10 năm 2012

CHỈ THỊ

Về nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát doanh nghiệp 100%
vốn Nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố

---------------------------

Thời gian qua, các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố đã có những chuyển biến về nhận thức trong đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phù hợp với quan điểm, mục tiêu của Đảng và Nhà nước. Các doanh nghiệp có quy mô vốn ngày càng tăng, cơ bản thực hiện được vai trò nòng cốt của kinh tế nhà nước, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn còn mặt hạn chế như trình độ quản trị, công nghệ, năng suất lao động và sức cạnh tranh còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực được giao, tỷ lệ nợ trên vốn cao, đầu tư dàn trải, chưa tập trung vào ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, dẫn đến phân tán nguồn vốn và rủi ro trong kinh doanh, việc đổi mới tổ chức quản lý trong doanh nghiệp chưa theo kịp yêu cầu phát triển trong cơ chế thị trường.

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa IX và chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 16 tháng 3 năm 2011 của Thành ủy về chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố giai đoạn 2011-2015, kết luận số 10-KL/TW ngày 18 tháng 10 năm 2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng) và chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Kiểm soát viên các Tổng Công ty, Công ty - TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con và các công ty TNHH một thành viên độc lập 100% vốn Nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố (sau đây viết tắt là tổng công ty, công ty) tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát hoạt động của các tổng công ty, công ty như sau:

1. Sở Tài chính

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, chế độ quản lý tài chính doanh nghiệp, việc quản lý, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại các tổng công ty, công ty. Đánh giá kết quả giám sát hàng năm báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố.

- Nâng cao chất lượng phân tích, đánh giá các báo cáo tổng hợp, để phát hiện kịp thời các dấu hiệu rủi ro, mất an toàn tài chính tại các tổng công ty, công ty, từ đó đề xuất tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố các giải pháp chấn chỉnh phù hợp.

- Kiểm tra báo cáo tài chính hàng năm của các tổng công ty, công ty trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố.

- Đánh giá báo cáo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hàng năm của kiểm soát viên tại các tổng công ty, công ty thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố đề xuất trình Ủy ban nhân dân Thành phố.

- Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các sở - ngành liên quan thực hiện chức năng “quản lý, giám sát của chủ sở hữu đối với công ty TNHH một thành viên” theo quy định tại Điều 31 của Nghị định số 25/2010/ND-CP ngày 19 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.

- Đề xuất Hội đồng xếp loại doanh nghiệp nhà nước và xếp loại Hội đồng quản trị, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước đánh giá kết quả xếp loại doanh nghiệp hàng năm đối với các tổng công ty, công ty đảm bảo chính xác, khách quan và công khai minh bạch.

- Hỗ trợ cho Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố thông tin, tình hình các doanh nghiệp hoạt động thua lỗ kéo dài, mất cân đối tài chính để xem xét hướng sắp xếp, tổ chức lại các doanh nghiệp này.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố các kiến nghị với Trung ương nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý tài chính, tạo hành lang pháp lý cho các Tổng Công ty, Công ty hoạt động thuận lợi.

2. Ban Đổi mới Quản lý doanh nghiệp Thành phố

- Chủ động phối hợp với Sở Tài chính và các Sở, ban, ngành có liên quan theo dõi hoạt động của các Tổng Công ty, Công ty 100% vốn nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, để tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố sắp xếp, cơ cấu lại hoặc giải thể, phá sản những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán nợ đến hạn theo quy định.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch và biện pháp bảo đảm triển khai thực hiện nghiêm túc phương án sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước do thành phố quản lý đến năm 2015 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

- Thẩm định trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, triển khai thực hiện theo quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”, Công văn số 10800/BTC-TCDN ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Bộ Tài chính về việc triển khai thực hiện Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 4094/UBND-CNN ngày 15 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin.

- Theo dõi tiến độ thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp thua lỗ đã có chủ trương xử lý của Ủy ban nhân dân Thành phố, tổng hợp, đề xuất kịp thời với Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo thẩm quyền, phân cấp.