Nghị định 110/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dấn sư, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã

  • Phát hành Chính phủ
  • Đánh giá 1 đánh giá
  • Lượt tải 2.802
  • Sử dụng Miễn phí
  • Dung lượng 264 KB
  • Cập nhật 29/09/2013

Giới thiệu

Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dấn sư, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-----------------------------

Số: 110/2013/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 24 tháng 09 năm 2013

NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BỔ TRỢ TƯ PHÁP, HÀNH CHÍNH TƯ PHÁP, HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH, THI HÀNH ÁN DÂN SỰ, PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Bộ luật dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật hôn nhân và gia đình ngày 09 tháng 6 năm 2000;

Căn cứ Luật phá sản ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Luật trợ giúp pháp lý ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật công chứng ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Luật quốc tịch Việt Nam ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật lý lịch tư pháp ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật nuôi con nuôi ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật trọng tài thương mại ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật giám định tư pháp ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật luật sư ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch; Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực;

Căn cứ Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật; Nghị định số 05/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 78/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về bản đấu giá tài sản;

Căn cứ Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm;

Căn cứ Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã,

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực sau đây:

a) Bổ trợ tư pháp, bao gồm: Luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại;

b) Hành chính tư pháp, bao gồm: Chứng thực; hộ tịch; quốc tịch; lý lịch tư pháp; phổ biến, giáo dục pháp luật; hợp tác quốc tế về pháp luật; trợ giúp pháp lý; đăng ký giao dịch bảo đảm;

c) Hôn nhân và gia đình;

d) Thi hành án dân sự;

đ) Phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

2. Hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác liên quan đến các lĩnh vực quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều này không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đó để xử phạt.

Điều 2. Đối tượng bị xử phạt

1. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quy định tại Khoản 1 Điều 1 của Nghị định này.

2. Tổ chức là đối tượng bị xử phạt theo quy định của Nghị định này bao gồm:

a) Tổ chức hành nghề công chứng; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư; tổ chức hành nghề luật sư; tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam; trung tâm tư vấn pháp luật; văn phòng giám định tư pháp; tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp; trung tâm trọng tài, tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam;

b) Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; văn phòng con nuôi nước ngoài; tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;

c) Doanh nghiệp, hợp tác xã tiến hành thủ tục phá sản;

d) Cơ quan Trung ương của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị trực thuộc của các tổ chức này thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật với cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế liên chính phủ và tổ chức phi chính phủ nước ngoài;

đ) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;

e) Các tổ chức khác không phải là cơ quan nhà nước vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quy định tại Khoản 1 Điều 1 của Nghị định này.

Điều 3. Biện pháp khắc phục hậu quả

1. Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định này quy định thêm các biện pháp khắc phục hậu quả khác áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại các Chương II, III, IV, V và VI của Nghị định này, bao gồm:

a) Hủy bỏ kết quả bán đấu giá tài sản;

b) Hủy bỏ giấy tờ giả;

c) Buộc thu hồi các khoản đã thanh toán hoặc bù trừ không đúng quy định của pháp luật;

d) Buộc thu hồi tài sản đã bị tẩu tán, chuyển nhượng không đúng quy định của pháp luật.

2. Đối với biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này mà người có thẩm quyền xử phạt không có thẩm quyền hủy bỏ thì kiến nghị người có thẩm quyền hoặc cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ.

Điều 4. Quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức

1. Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V và VI của Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại Khoản 2 Điều này; trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

2. Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 15, 18, 21, 22, 29, 44, 51, 58, 59, 60, 62 và 63 của Nghị định này được áp dụng đối với tổ chức.

Chương 2.

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG LĨNH VỰC BỔ TRỢ TƯ PHÁP

MỤC 1. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG HOẠT ĐỘNG LUẬT SƯ

Điều 5. Hành vi vi phạm quy định về hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư, giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam; hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư; hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư, giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam;

b) Sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp trong hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư; giấy phép thành lập chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng giấy tờ giả trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư, giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam;

b) Sử dụng giấy tờ giả trong hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư; giấy phép thành lập chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.

3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Làm giả giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư, giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam;

b) Làm giả giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư; giấy phép thành lập chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Hủy bỏ giấy tờ giả đối với hành vi quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

Điều 6. Hành vi vi phạm quy định về hoạt động hành nghề luật sư

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của mình trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng;

b) Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không thực hiện việc đăng ký hành nghề với cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp chuyển Đoàn luật sư.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân cung cấp dịch vụ pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ngoài cơ quan, tổ chức mình đã ký hợp đồng lao động, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước yêu cầu hoặc tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và thực hiện trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Đoàn luật sư mà luật sư là thành viên;

b) Thành lập hoặc tham gia thành lập từ hai tổ chức hành nghề luật sư trở lên.

3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư, giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam, giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng, giấy chứng nhận người bào chữa;

b) Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không đăng ký hành nghề tại cơ quan có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này;

c) Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam khi giấy phép hành nghề đã hết hạn;

d) Cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam để hành nghề luật sư.

Download file tài liệu để xem thêm chi tiết