Nghị định 30/2013/NĐ-CP Kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung

  • Phát hành Chính phủ
  • Đánh giá
  • Lượt tải 36
  • Sử dụng Miễn phí
  • Dung lượng 192 KB
  • Cập nhật 19/06/2013

Giới thiệu

Nghị định 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------------------

Số: 30/2013/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 2013

NGHỊ ĐỊNH

VỀ KINH DOANH VẬN CHUYỂN HÀNG KHÔNG VÀ HOẠT ĐỘNG HÀNG KHÔNG CHUNG

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

n cứ Luật hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

Chính phủ ban hành Nghị định về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định:

a) Điều kiện, thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại;

b) Việc sử dụng thương hiệu, nhượng quyền thương mại của doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không và doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại.

2. Nghị định này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến việc cấp, cấp lại, hủy bỏ Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại; kinh doanh vận chuyển hàng không, hoạt động hàng không chung.

3. Trong Nghị định này, doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không, doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại được gọi chung là hãng hàng không.

Điều 2. Nội dung kinh doanh vận chuyển hàng không, hoạt động hàng không chung

1. Kinh doanh vận chuyển hàng không bao gồm hoạt động vận chuyển hàng không, quảng cáo, tiếp thị, bán sản phẩm vận chuyển hàng không trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.

2. Hoạt động hàng không chung bao gồm các loại hình sau đây:

a) Kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại là hoạt động quảng cáo, tiếp thị, bán, thực hiện dịch vụ hàng không chung nhằm mục đích sinh lợi;

b) Hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại là hoạt động hàng không chung phục vụ cho hoạt động của tổ chức, cá nhân không nhằm mục đích sinh lợi.

Điều 3. Cơ quan xây dựng, ban hành quy hoạch phát triển và thẩm định cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận

1. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân liên quan xây dựng quy hoạch phát triển các hãng hàng không Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại, Giấy chứng nhận đầu tư hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

3. Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện việc thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại.

4. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại (không bao gồm các hoạt động của tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ).

Điều 4. Hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài

1. Hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng, đầu tư và doanh nghiệp.

2. Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài đồng thời là Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại.

Chương 2.

GIẤY PHÉP KINH DOANH VẬN CHUYỂN HÀNG KHÔNG VÀ GIẤY PHÉP KINH DOANH HÀNG KHÔNG CHUNG VÌ MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI

Điều 5. Yêu cầu chung

1. Việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại phải phù hợp với quy hoạch phát triển hãng hàng không.

2. Hãng hàng không đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 110 Luật hàng không dân dụng Việt Nam và các điều kiện quy định của Nghị định này.

3. Hãng hàng không đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại chỉ cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Điểm a Khoản 1, Khoản 2 Điều 6 và Khoản 2 Điều 10 của Nghị định này.

4. Người đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Phương án bảo đảm có tàu bay khai thác

1. Phương án bảo đảm có tàu bay khai thác trong 05 năm kể từ ngày dự kiến bắt đầu kinh doanh bao gồm các nội dung sau đây:

a) Số lượng, chủng loại tàu bay;

b) Hình thức chiếm hữu (mua, thuê mua hoặc thuê);

c) Phương án khai thác, bảo dưỡng và nguồn nhân lực bảo đảm khai thác, bảo dưỡng tàu bay;

d) Nguồn vốn bảo đảm chiếm hữu tàu bay.

2. Tuổi của tàu bay đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam được quy định như sau:

a) Đối với tàu bay thực hiện vận chuyển hành khách: Không quá 10 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê. Riêng đối với tàu bay trực thăng là 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê;

b) Đối với tàu bay vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại: Không quá 15 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê;

c) Các loại tàu bay khác ngoài quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 2 của Điều này: Không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 30 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.

3. Số lượng tàu bay duy trì trong suốt quá trình khai thác vận chuyển hàng không, kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại phải đảm bảo tối thiểu là hai (02); số lượng tàu bay thuê có tổ lái đến hết năm khai thác thứ ba không chiếm quá 30% đội tàu bay.

Điều 7. Điều kiện về tổ chức bộ máy bảo đảm khai thác tàu bay, kinh doanh vận chuyển hàng không, kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại

1. Có tổ chức bộ máy thực hiện hệ thống quản lý an toàn, an ninh, hoạt động khai thác tàu bay, bảo dưỡng tàu bay, huấn luyện bay, khai thác mặt đất; phát triển sản phẩm, tiếp thị và bán dịch vụ vận chuyển hàng không, dịch vụ hàng không chung; hệ thống thanh toán tài chính.

2. Người được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách trong hệ thống quản lý an toàn, an ninh, khai thác tàu bay, bảo dưỡng tàu bay, huấn luyện bay phải có kinh nghiệm tối thiểu 03 năm công tác liên tục trong lĩnh vực được bổ nhiệm, có văn bằng, chứng chỉ liên quan được cấp hoặc công nhận theo quy định của pháp luật.

3. Người được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách giám sát hoạt động phát triển sản phẩm, tiếp thị và bán dịch vụ vận chuyển hàng không, dịch vụ hàng không chung phải có bằng đại học các ngành kinh tế, thương mại hoặc tài chính.

4. Người được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách giám sát hệ thống thanh toán tài chính phải có bằng đại học các ngành tài chính, bằng kế toán trưởng hoặc chứng chỉ kế toán quốc tế được công nhận tại Việt Nam.

Điều 8. Điều kiện về vốn

1. Vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không và duy trì kinh doanh vận chuyển hàng không:

a) Khai thác đến 10 tàu bay: 700 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 300 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa;

b) Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay: 1.000 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 600 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa;

c) Khai thác trên 30 tàu bay: 1.300 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 700 tỷ Đồng Việt Nam đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.

2. Vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại: 100 tỷ đồng Việt Nam.

Điều 9. Văn bản xác nhận vốn

1. Đối với vốn góp bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ tự do chuyển đổi: Văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép; việc giải phóng khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện sau khi tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép hoặc khi tổ chức, cá nhân nhận được văn bản thông báo từ chối cấp Giấy phép.

2. Đối với vốn góp bằng tài sản, bất động sản trực tiếp phục vụ cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng không, kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại: Văn bản của tổ chức định giá có thẩm quyền xác nhận giá trị quy đổi thành tiền của tài sản, bất động sản.

3. Tổ chức, cá nhân trực tiếp xác nhận vốn của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của số liệu tại thời điểm xác nhận.

4. Đối với hãng hàng không đang khai thác, có thể sử dụng bảo lãnh của ngân hàng làm văn bản xác nhận vốn phù hợp.

Điều 10. Nội dung của phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm

1. Nhu cầu và xu hướng phát triển của thị trường.

2. Đánh giá thực tiễn và mức độ cạnh tranh dịch vụ được cung cấp trên thị trường.

3. Chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không và kế hoạch phát triển kinh doanh của 05 năm đầu kể từ ngày khai thác.

Điều 11. Điều kiện về vốn và bộ máy điều hành đối với hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài

1. Hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện bên nước ngoài không chiếm quá 30% vốn điều lệ đối với hãng hàng không; một cá nhân Việt Nam hoặc pháp nhân Việt Nam không có vốn đầu tư nước ngoài phải giữ phần vốn điều lệ lớn nhất.

2. Phần vốn nước ngoài được tính như sau:

a) Phần vốn góp của tổ chức, cá nhân nước ngoài vào hãng hàng không;

b) Phần vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào hãng hàng không nhân với tỷ lệ phần vốn góp của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đó;

c) Phần vốn góp của doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư Việt Nam đầu tư vào hãng hàng không nhân với tỷ lệ phần vốn góp của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong doanh nghiệp nước ngoài đó.

3. Điều lệ hoạt động của hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải quy định cơ cấu tổ chức quản lý, thành viên bộ máy điều hành doanh nghiệp. Số thành viên là người nước ngoài do nhà đầu tư nước ngoài cử tham gia bộ máy điều hành hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài không được vượt quá một phần ba tổng số thành viên. Tổng Giám đốc (Giám đốc), người đại diện theo pháp luật của hãng hàng không phải là công dân Việt Nam và không mang quốc tịch nước khác.

Download file tài liệu để xem thêm chi tiết