Nghị định số 89/2008/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng

  • Phát hành Chính phủ
  • Đánh giá
  • Lượt tải 40
  • Sử dụng Miễn phí
  • Dung lượng 62 KB
  • Cập nhật 22/02/2013

Giới thiệu

Nghị định số 89/2008/NĐ-CP của Chính phủ: Hướng dẫn thi hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

CHÍNH PHỦ
-----------

Số: 89/2008/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độ lập - Tự do - Hạnh phúc 
-------------------------

Hà Nội, ngày 13 tháng 08 năm 2008

 NGHỊ ĐỊNH
Hướng dẫn thi hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng
----------------------
CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945

1. Trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng kể từ ngày có quyết định công nhận.

2. Được cấp báo Nhân dân hàng ngày, sinh hoạt văn hóa tinh thần phù hợp với điều kiện nơi cư trú.

3. Khi người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 chết thì thân nhân được hưởng chế độ ưu đãi như sau:

a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 đang hưởng chế độ ưu đãi quy định tại điểm 2 khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (gọi tắt là Pháp lệnh) mà chết thì người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 3 tháng trợ cấp, phụ cấp mà người hoạt động cách mạng được hưởng trước khi chết.

b) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi quy định tại điểm 2 khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần:

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng còn sống; con (trong trường hợp cha mẹ, vợ hoặc chồng không còn) của người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 được hưởng trợ cấp chung một lần, mức trợ cấp là 50 triệu đồng.

+ Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 không có vợ hoặc chồng thì thực hiện trợ cấp một lần đối với người đang thờ cúng, mức trợ cấp là 10 triệu đồng.

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học, con bị tàn tật nặng từ nhỏ khi hết thời hạn hưởng trợ cấp vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng.

d) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng đang sống cô đơn không nơi nương tựa, con mồ côi từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học, con mồ côi bị tàn tật nặng từ nhỏ khi hết thời hạn hưởng trợ cấp mà vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng.

4. Các chế độ ưu đãi khác thực hiện theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 05 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Điều 2. Chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945

1. Trợ cấp hàng tháng kể từ ngày có quyết định công nhận.

2. Được cấp Báo Nhân dân hàng ngày, sinh hoạt văn hóa tinh thần phù hợp với điều kiện nơi cư trú.

3. Khi người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 chết thì thân nhân được hưởng chế độ ưu đãi như sau:

a) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 đang hưởng chế độ ưu đãi quy định tại điểm 2 khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh mà chết thì người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 3 tháng trợ cấp, phụ cấp mà người hoạt động cách mạng được hưởng trước khi chết.

b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi quy định tại điểm 2 khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần:

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng còn sống; con (trong trường hợp cha mẹ, vợ hoặc chồng không còn) của người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 được hưởng trợ cấp chung một lần, mức trợ cấp là 25 triệu đồng.

+ Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 không có vợ hoặc chồng thì thực hiện trợ cấp một lần đối với người đang thờ cúng, mức trợ cấp là 10 triệu đồng.

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học, con bị tàn tật nặng từ nhỏ khi hết thời hạn hưởng trợ cấp vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng.

d) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng đang sống cô đơn không nơi nương tựa, con mồ côi từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học, con mồ côi bị tàn tật nặng từ nhỏ khi hết thời hạn hưởng trợ cấp vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng.

4. Các chế độ ưu đãi khác thực hiện theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 05 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Nghị định này thay thế Điều 1, Điều 2 Chương I của Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 05 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan liên quan hướng dẫn thủ tục hồ sơ thực hiện chế độ quy định tại Nghị định này.

2. Kinh phí thực hiện chi trả trợ cấp đối với các đối tượng quy định tại Nghị định này do ngân sách trung ương đảm bảo.

Bộ Tài chính xây dựng dự toán chi ngân sách thực hiện chế độ trợ cấp một lần quy định tại Điều 1, Điều 2 của Nghị định này trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- BQL KKTCKQT Bờ Y;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (10b).

 TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG 

(Đã ký)

Nguyễn Tấn Dũng