Thông tư 10/2012/TT-BGDĐT Ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông

  • Phát hành Bộ GD-ĐT
  • Đánh giá
  • Lượt tải 75
  • Sử dụng Miễn phí
  • Dung lượng 248 KB
  • Cập nhật 01/06/2013

Giới thiệu

Thông tư 10/2012/TT-BGDĐT ngày 6/3/2012 ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
---------------
Số: 10/2012/TT-BGDĐT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------

Hà Nội, ngày 06 tháng 03 năm 2012

THÔNG TƯ
BAN HÀNH QUY CHẾ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục và Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quyết định:

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20 tháng 4 năm 2012.

Thông tư này thay thế Thông tư số 04/2009/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 3 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Thông tư số 05/2010/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 3 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Thủ trưởng đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo, Giám đốc các đại học, học viện; Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; Hiệu trưởng các trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./. 

 Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo TƯ;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cục KTVBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Như Điều 3;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ PC, Cục KTKĐCLGD.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

(đã ký)

Nguyễn Vinh Hiển

 

QUY CHẾ
THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 10 /2012/TT-BGDĐT, ngày 06 tháng 3 năm 2012
của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bao gồm: chuẩn bị cho kỳ thi; công tác đề thi; coi thi; chấm thi và phúc khảo; công nhận tốt nghiệp; cấp phát và quản lý bằng tốt nghiệp; chế độ báo cáo và lưu trữ; thanh tra, khen thưởng và xử lý vi phạm.

2. Quy chế này áp dụng đối với trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, cơ sở giáo dục thường xuyên thực hiện chương trình trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình trung học phổ thông (sau đây gọi chung là trường phổ thông); tổ chức và cá nhân tham gia kỳ thi.

Điều 2. Mục đích, yêu cầu

1. Thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhằm mục đích:

a) Đánh giá, xác nhận trình độ của người học theo mục tiêu giáo dục sau khi học hết chương trình trung học phổ thông;

b) Làm cơ sở để chuẩn bị cho người học tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

c) Làm cơ sở cho việc đánh giá kết quả dạy và học của trường phổ thông; đánh giá công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục.

2. Kỳ thi phải đảm bảo các yêu cầu: nghiêm túc, an toàn, công bằng, chính xác, đánh giá đúng trình độ người học, phản ánh đúng chất lượng dạy và học của trường phổ thông.

Điều 3. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

1. Mỗi năm tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

2. Trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông lần hai trong năm.

Điều 4. Đối tượng và điều kiện dự thi

1. Đối tượng dự thi:

a) Công dân Việt Nam và người nước ngoài đang học tập, sinh sống tại Việt Nam (sau đây gọi chung là người học) đã học hết chương trình trung học phổ thông trong năm tổ chức kỳ thi;

b) Người học đã học hết chương trình trung học phổ thông nhưng không đủ điều kiện dự thi hoặc đã dự thi nhưng chưa tốt nghiệp ở những năm trước và các đối tượng khác được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép dự thi (sau đây gọi chung là thí sinh tự do).

2. Điều kiện dự thi:

a) Đối với giáo dục trung học phổ thông:

Người học theo quy định tại khoản 1 Điều này được công nhận đủ điều kiện dự thi, nếu:

- Đã tốt nghiệp trung học cơ sở;

- Đã học xong chương trình trung học phổ thông; được đánh giá, xếp loại về hạnh kiểm và học lực ở từng lớp học;

- Đánh giá, xếp loại ở lớp 12: hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên, học lực không bị xếp loại kém;

- Tổng số buổi nghỉ học trong năm học lớp 12 không quá 45 buổi (nghỉ một lần hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại);

- Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi.

b) Đối với giáo dục thường xuyên:

Người học theo quy định tại khoản 1 Điều này được công nhận đủ điều kiện dự thi, nếu:

- Đã tốt nghiệp trung học cơ sở;

- Học xong chương trình trung học phổ thông;

- Đối với người học trong các trung tâm giáo dục thường xuyên: không bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12; nếu là người học trong diện xếp loại hạnh kiểm thì phải có thêm điều kiện hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên; không nghỉ quá 45 buổi học trong năm học lớp 12 (nghỉ một lần hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại);

- Đối với những người học theo hình thức tự học có hướng dẫn: không bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12;

- Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi;

- Đăng ký dự thi và có đầy đủ hồ sơ dự thi hợp lệ theo quy định tại Điều 11 của quy chế này.

c) Thí sinh tự do được công nhận đủ điều kiện dự thi, nếu:

- Đã tốt nghiệp trung học cơ sở;

- Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi;

- Trường hợp không đủ điều kiện dự thi do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi một số môn học có điểm trung bình dưới 5.0, đảm bảo khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm thì đủ điều kiện về học lực theo quy định tại điểm a và điểm b của Điều này để dự thi.

- Trường hợp không đủ điều kiện dự thi do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú xác nhận có đủ tư cách, phẩm chất đạo đức và nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.

d) Chậm nhất trước ngày thi 10 ngày, Thủ trưởng trường phổ thông phải thông báo công khai những trường hợp không đủ điều kiện dự thi theo quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản 2 của Điều này.

đ) Điều kiện dự thi kỳ thi lần 2 (nếu có tổ chức kỳ thi lần 2):

- Thí sinh đủ điều kiện dự thi theo quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản 2 Điều này nhưng chưa dự thi kỳ thi lần 1;

- Thí sinh đã dự thi kỳ thi lần 1 nhưng chưa tốt nghiệp và không bị xử lý kỷ luật từ đình chỉ thi trở lên.

Điều 5. Chương trình và nội dung thi

1. Nội dung thi nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12.

2. Thí sinh tự do cũng phải thi đủ các môn thi, theo nội dung thi, hình thức thi quy định của năm tổ chức kỳ thi.

Điều 6. Môn thi và hình thức thi

1. Môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chậm nhất vào ngày 31 tháng 3 hằng năm.

2. Môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông lần 2 (nếu có tổ chức kỳ thi lần 2):

a) Đối với giáo dục trung học phổ thông:

- Thí sinh chưa tham dự kỳ thi lần 1 phải đăng ký thi tất cả các môn quy định ở kỳ thi lần 1;

- Thí sinh có tham dự kỳ thi lần 1 nhưng chưa tốt nghiệp: thi lại tất cả các môn của kỳ thi lần 1 có điểm dưới 5.0; hoặc thí sinh lựa chọn, đăng ký chỉ thi lại một số môn có điểm dưới 5.0.

b) Đối với giáo dục thường xuyên:

- Thí sinh chưa tham dự kỳ thi lần 1:

+ Nếu không có điểm bảo lưu, theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của quy chế này, thì phải đăng ký dự thi tất cả các môn quy định ở kỳ thi lần 1;

+ Nếu có điểm bảo lưu, theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của quy chế này, thì đăng ký dự thi theo quy định tại khoản 2 Điều 33 của quy chế này.

- Thí sinh có tham dự kỳ thi lần 1 nhưng chưa tốt nghiệp: thi lại tất cả các môn của kỳ thi lần 1 có điểm dưới 5.0; hoặc thí sinh lựa chọn, đăng ký chỉ thi lại một số môn có điểm dưới 5.0.

3. Quy định bảo lưu điểm thi cho kỳ thi lần 2 (nếu có tổ chức kỳ thi lần 2):

Điểm kỳ thi lần 1 của các môn thí sinh không thi lại trong kỳ thi lần 2 được bảo lưu để xét tốt nghiệp cho kỳ thi lần 2 trong cùng năm.

4. Hình thức thi của mỗi môn thi được quy định trong văn bản hướng dẫn tổ chức thi hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 7. Ngày thi, lịch thi, thời gian làm bài thi

1. Ngày thi thực hiện theo Kế hoạch thời gian năm học hằng năm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

2. Lịch thi, thời gian làm bài thi của mỗi môn thi thực hiện theo Công văn hướng dẫn tổ chức thi hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 8. Sử dụng công nghệ thông tin

1. Cán bộ làm công tác thi chuyên trách sử dụng công nghệ thông tin phải am hiểu về công nghệ thông tin, đã qua tập huấn sử dụng phần mềm, có địa chỉ thư điện tử.

2. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) phải thiết lập hệ thống trao đổi thông tin thi chính xác, cập nhật giữa trường phổ thông với Sở Giáo dục và Đào tạo, với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Các đơn vị thống nhất sử dụng phần mềm quản lý thi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thực hiện đúng quy trình, cấu trúc, thời hạn xử lý dữ liệu và chế độ báo cáo theo Công văn hướng dẫn tổ chức thi hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Bố trí tại mỗi Hội đồng coi thi, chấm thi, phúc khảo 01 điện thoại bàn (có loa ngoài) và 01 máy vi tính để bàn (nếu có) có khả năng kết nối mạng Internet qua đường truyền ADSL để sử dụng trong các ngày làm việc. Điện thoại và máy vi tính để chung tại một phòng; Chủ tịch Hội đồng coi thi, chấm thi, phúc khảo chịu trách nhiệm quy định việc giám sát, sử dụng điện thoại và máy vi tính này.

Điều 9. Tiêu chuẩn, điều kiện đối với những người tham gia tổ chức kỳ thi

1. Những người tham gia tổ chức kỳ thi phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và điều kiện sau:

a) Có phẩm chất đạo đức tốt và tinh thần trách nhiệm cao;

b) Nắm vững nghiệp vụ làm công tác thi;

c) Không có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cha, mẹ, anh, chị, em vợ hoặc chồng; người giám hộ hoặc đỡ đầu; người được giám hộ hoặc được đỡ đầu tham dự kỳ thi;

d) Không đang trong thời gian bị kỷ luật về thi.

2. Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 của Điều này, thành viên Hội đồng ra đề thi, chấm thi, phúc khảo còn phải là những người có năng lực chuyên môn tốt.

Download file tài liệu để xem thêm chi tiết