Quyết định 2193/2013/QĐ-UBND Quy trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội

Giới thiệu

Quyết định 2193/2013/QĐ-UBND về Quy trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------------------------

Số: 2193/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2013

QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CÁC QUY TRÌNH SẮP XẾP, ĐỔI MỚI DOANH NGHIỆP 100% VỐN NHÀ NƯỚC THUỘC UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29/11/2005;

Căn cứ Nghị định số 180/2004/NĐ-CP ngày 28/10/2004 của Chính phủ về thành lập mới, tổ chức lại và giải thể công ty nhà nước; Thông tư số 38/2005/TT-BTC ngày 18/5/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định;

Căn cứ Nghị định số 109/2008/NĐ-CP ngày 10/10/2008 của Chính phủ về giao, bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; Thông tư số 202/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 hướng dẫn thực hiện Nghị định;

Căn cứ Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; Thông tư số 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 và Thông tư số 202/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định;

Căn cứ Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh; Thông tư số 14/2010/TT-BKH ngày 4/6/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định;

Xét đề nghị của Sở Tài chính Hà Nội tại công văn số 1152/STC-TCDN ngày 13/3/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này các quy trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, bao gồm:

1. Quy trình chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

2. Quy trình bán doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

3. Quy trình sáp nhập doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, chuyển đơn vị sự nghiệp vào doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

4. Quy trình giải thể doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Điều 2. Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Thành phố có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn và tổ chức triển khai áp dụng thống nhất các quy trình này trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện các phương án, đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND Thành phố.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1605/QĐ-UBND ngày 28/10/2008; của UBND thành phố Hà Nội về ban hành kèm theo các quy trình sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; các thành viên Ban Đổi mới & Phát triển doanh nghiệp Thành phố; Thủ trưởng các Sở, ngành, tổng công ty nhà nước, công ty 100% vốn nhà nước thuộc UBND Thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

TM/ ỦY BAN NHÂN DÂN
KT CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)


Nguyễn Huy Tưởng

 QUY TRÌNH
CHUYỂN DOANH NGHIỆP 100% VỐN NHÀ NƯỚC THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2193/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2013 của UBND thành phố Hà Nội)

Quy trình chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần gồm 3 bước, cụ thể như sau:

Bước 1. Xây dựng Phương án cổ phần hóa.

1. Ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp và Tổ giúp việc.

1.1. Quyết định phê duyệt Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp.

- Căn cứ kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước của Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đề nghị của doanh nghiệp về việc cử người tham gia Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp, Sở Tài chính (Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Thành phố) dự thảo trình UBND Thành phố ký ban hành quyết định phê duyệt Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp.

- Thành phần Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp (quyền hạn, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo cổ phần hóa theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 49 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Điều 13 Thông tư số 196/2011/TT-BTC):

+ Trưởng ban: Lãnh đạo Sở Tài chính (Phó Trưởng ban – Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Thành phố).

Trường hợp cổ phần hóa các đơn vị thành viên, bộ phận của Tổng công ty nhà nước hoặc Công ty TNHH một thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, cử Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty, công ty mẹ - con (mô hình hoạt động HĐTV) hoặc Chủ tịch công ty (mô hình hoạt động Chủ tịch công ty) tham gia và giữ chức Phó Trưởng ban.

+ Các Ủy viên: Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp; Văn phòng UBND Thành phố; Lãnh đạo các Sở ngành chuyên môn (Kế hoạch và Đầu tư; Lao động Thương binh và Xã hội; Nội vụ; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Quy hoạch Kiến trúc; Cục thuế; Công thương (đối với doanh nghiệp ngành công thương); Nông nghiệp (đối với doanh nghiệp ngành nông nghiệp); Lãnh đạo Chi cục Tài chính doanh nghiệp; Lãnh đạo doanh nghiệp cổ phần hóa (Chủ tịch HĐTV hoặc Chủ tịch công ty TNHH một thành viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn).

+ Đối với công ty mẹ thuộc Tổng công ty khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp thì bổ sung them 02 ủy viên: đại diện Ban Chỉ đạo và Phát triển doanh nghiệp Trung ương và đại diện Bộ Tài chính.

- Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp:

+ Giúp UBND Thành phố chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thẩm tra về trình tự, thủ tục, tuân thủ các quy định của pháp luật về xác định giá trị doanh nghiệp.

+ Lựa chọn (hoặc đấu thầu) tổ chức tư vấn định giá thực hiện tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, thương thảo về chi phí tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp.

+ Thẩm tra kết quả kiểm kê, phân loại tài sản, phương án tài chính (gồm cả xử lý tồn tại tài chính và kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, lựa chọn phương thức bán cổ phần lần đầu, phương án tái cơ cấu (trường hợp giá trị thực tế doanh nghiệp xác định lại thấp hơn các khoản nợ phải trả) do Sở Tài chính làm Trưởng nhóm thẩm định giá trị doanh nghiệp.

+ Thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau sắp xếp, chuyển đổi do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng nhóm.

+ Thẩm định Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty cổ phần do Sở Nội vụ làm Trưởng nhóm.

+ Thẩm định phương án lao động của doanh nghiệp (gồm cả xử lý lao động dôi dư, quyết toán khoản chi cho người lao động dôi dư) do Sở Lao động Thương binh và Xã hội làm Trưởng nhóm.

1.2. Tổ giúp việc:

- Tổ giúp việc: Căn cứ đề nghị của doanh nghiệp cổ phần hóa Ban Chỉ đạo cổ phần hóa (Sở Tài chính) quyết định thành lập Tổ giúp việc trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp.

- Thành phần của Tổ giúp việc gồm:

+ Lãnh đạo doanh nghiệp (Tổng giám đốc, giám đốc) – Tổ trưởng.

+ Kế toán trưởng hoặc Trưởng phòng kế toán – Thường trực.

+ Đại diện Tổ chức Đảng của doanh nghiệp – Tổ viên.

+ Đại diện Tổ chức Công đoàn của doanh nghiệp – Tổ viên

+ Trưởng, phó các phòng ban của doanh nghiệp – Tổ viên

+ Phụ trách và chuyên viên phòng, ban, đơn vị chuyên môn của các Sở, ngành Thành phố (Sở ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp) – Tổ viên.

2. Phổ biến chủ trương chính sách về cổ phần hóa cho người lao động.

Tổ giúp việc có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về cổ phần hóa cho toàn thể người lao động trong doanh nghiệp (trực tiếp hoặc mời các chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm thực hiện phổ biến).

3. Chuẩn bị hồ sơ tài liệu.

3.1. Trong thời gian tối đa 10 ngày, kể từ ngày có Quyết định thành lập Tổ giúp việc, Ban Cổ phần hóa doanh nghiệp (Sở Tài chính) có trách nhiệm chỉ đạo Tổ giúp việc cùng với doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan bao gồm:

- Các hồ sơ pháp lý về thành lập doanh nghiệp.

- Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cá nhân của từng lao động, sổ lao động, sổ bảo hiểm xã hội và các giấy tờ có liên quan đến quá trình làm việc và tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động. Lập danh sách lao động thường xuyên làm việc tại doanh nghiệp đến thời điểm có quyết định phê duyệt Ban Chỉ đạo cổ phần hóa. Phân loại lao động theo đối tượng: hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng có thời hạn từ 1-3 năm, danh sách lao động dôi dư,…

- Các hồ sơ pháp lý về tài sản, nguồn vốn của doanh nghiệp.

- Kê khai, tập hợp các hồ sơ nhà - đất, lập phương án sử dụng nhà, đất

Căn cứ Phương án sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa, doanh nghiệp xây dựng phương án sử dụng nhà, phương án sử dụng đất phù hợp với quy định về sắp xếp, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ và đề nghị về các diện tích thực hiện hình thức giao đất, hình thức thuê đất.

(Trường hợp đã được UBND Thành phố phê duyệt phương án sử dụng đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ thì bổ sung vào hồ sơ).

- Hồ sơ về công nợ (đặc biệt là các khoản nợ tồn đọng, các khoản nợ đã xử lý theo chế độ bao gồm cả các khoản nợ khó đòi đã được xử lý bằng nguồn vốn dự phòng trong vòng 5 năm liên kề trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp).

- Hồ sơ về tài sản không cần dùng, vật tư, hàng hóa ứ đọng, kém, mất phẩm chất (nếu có), tài sản hình thành từ nguồn quỹ khen thưởng phúc lợi.

- Hồ sơ về các công trình đầu tư xây dựng cơ bản dở dang (kể cả các công trình đã có quyết định đình hoãn).

- Hồ sơ về các khoản vốn đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp khác như: góp vốn liên doanh, góp vốn cổ phần, góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn và các hình thức đầu tư dài hạn khác.

- Báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế của doanh nghiệp đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

- Lập dự toán chi phí cổ phần hóa theo chế độ quy định.

3.2. Căn cứ danh sách các tổ chức tư vấn định giá được công bố, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp (Sở Tài chính) lựa chọn tổ chức tư vấn định giá và trình UBND Thành phố quyết định.

Trường hợp có từ 2 tổ chức tư vấn định giá đăng ký tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn định giá xác định giá trị doanh nghiệp trở lên thì Ban Chỉ đạo cổ phần hóa thực hiện hình thức đấu thầu để lựa chọn tổ chức tư vấn định giá.

Căn cứ quyết định lựa chọn tổ chức tư vấn định giá của UBND Thành phố, Giám đốc doanh nghiệp cổ phần hóa ký hợp đồng với tổ chức tư vấn định giá. Hợp đồng tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp cần phải thể hiện đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp cổ phần hóa và trách nhiệm của tổ chức tư vấn định giá theo quy định tại Điều 12, Thông tư số 202/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính.

Trường hợp tổ chức tư vấn có chức năng định giá thì có thể thuê trọn gói: lập phương án cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức bán cổ phần.

Download file tài liệu để xem thêm chi tiết