Quyết định số 74/2008/QĐ-TTG Về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2008 - 2010

Giới thiệu

Quyết định số 74/2008/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2008 - 2010. 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
---------------

Số: 74/2008/QĐ-TTg

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-------------------

Hà Nội, ngày 09 tháng 06 năm 2008

 QUYẾT ĐỊNH
Về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất
thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2008 - 2010
---------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 07 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thực hiện một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2008 - 2010 (Vùng) nhằm tạo điều kiện để các hộ này phát triển sản xuất, cải thiện và ổn định cuộc sống.

1. Mục tiêu: đến năm 2010, toàn bộ số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong Vùng có đất ở; trên 80% số hộ trong diện nghèo, đời sống khó khăn có đất sản xuất, có việc làm, tạo thu nhập ổn định; trên 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề.

2. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

a) Đối tượng: hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được xác định theo tiêu chí hiện hành do Ủy ban nhân dân xã, phường quản lý tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2007, nhưng chưa có đất hoặc chưa đủ đất sản xuất theo mức quy định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định này; chưa có đất ở, đời sống khó khăn nhưng chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất; lao động trong độ tuổi cần vốn để học nghề, chuyển đổi ngành nghề, đi xuất khẩu lao động, cần vốn để sản xuất, kinh doanh thêm ngành nghề trong nông thôn;

b) Phạm vi áp dụng: hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn thường trú ổn định từ 1 năm trở lên tại các tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Long An và thành phố Cần Thơ.

3. Nguyên tắc và mục đích sử dụng:

a) Nguyên tắc:

- Giao đất trực tiếp cho hộ gia đình thuộc đối tượng nêu ở điểm a khoản 2 Điều 1 Quyết định này để sản xuất hoặc để ở (riêng đất sản xuất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố đứng ra tìm quỹ đất và chỉ giao những hộ có nhu cầu sản xuất, có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp);

- Cấp tiền trực tiếp cho những hộ thiếu đất sản xuất nhưng không có nhu cầu về đất sản xuất mà muốn chuyển sang làm phi nông nghiệp hoặc cho những hộ cần đất sản xuất nhưng địa phương không còn quỹ đất sản xuất để cấp; việc cấp vốn thông qua các cơ sở đào tạo nghề (thuộc các thành phần kinh tế) để hỗ trợ cho những lao động cần học nghề để đi làm trong các nhà máy, xí nghiệp, đi lao động nước ngoài… trên cơ sở số lượng đăng ký học nghề của đối tượng được thụ hưởng, kế hoạch đăng ký dạy nghề hàng năm cho đối tượng này của các cơ sở dạy nghề tại địa phương được Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị trở lên phê duyệt trong kế hoạch 2009 - 2010;

- Cho vay vốn trực tiếp đối với những lao động trong độ tuổi có nhu cầu tự tạo việc làm thêm ở địa phương. Riêng đối với lao động đi nước ngoài chỉ hỗ trợ đào tạo nghề và cho vay vốn đối với những người trong độ tuổi từ 16 đến 35 tuổi;

- Việc hỗ trợ phải bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ thông qua chính quyền và các tổ chức đoàn thể, tiến hành bình xét từ cơ sở thôn, ấp trên các quy định pháp luật và chính sách của Nhà nước;

- Mỗi đối tượng (nêu ở điểm a khoản 2 Điều 1 Quyết định này) được hưởng mỗi chính sách một lần.

b) Mục đích sử dụng:

- Các hộ được cấp đất sản xuất, đất ở phải trực tiếp quản lý sử dụng đất đai đúng mục đích, không được sang nhượng, cầm cố, mua bán, cho thuê trong thời gian 10 năm, kể từ ngày được Nhà nước giao đất. Trong thời hạn này, nếu hộ được cấp đất sản xuất, đất ở di chuyển đi nơi khác thì phải giao lại đất ở, đất sản xuất đã được cấp cho chính quyền địa phương;

- Lao động được hỗ trợ một phần kinh phí để đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp phải sử dụng kinh phí đúng mục đích thông qua các cơ sở đào tạo tại địa phương hoặc kết hợp với chính sách hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp.

Điều 2. Chính sách hỗ trợ

1. Đối với đất ở:

a) Căn cứ quỹ đất, hạn mức đất ở và khả năng ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố có thể xem xét, quyết định giao đất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo phù hợp với điều kiện và tập quán ở địa phương;

b) Mức hỗ trợ để mua đất cấp trực tiếp bình quân cho mỗi hộ chưa có đất ở là 10 triệu đồng/hộ (trong đó: ngân sách trung ương hỗ trợ 8 triệu đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ 2 triệu đồng).

Ở những nơi có điều kiện, chính quyền địa phương tổ chức san lấp mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật để cấp đất hoặc xây dựng các khu dân cư tập trung để cấp nhà ở cho các đối tượng đủ điều kiện theo quy định này.

2. Đối với đất sản xuất:

a) Định mức đất sản xuất cho mỗi hộ căn cứ theo mức bình quân chung của địa phương và tùy thuộc vào khả năng quỹ đất hiện còn tại địa phương, nhưng tối thiểu là 0,25ha đất ruộng lúa nước 1 vụ hoặc 0,15ha đất ruộng lúa nước 2 vụ hoặc 0,5ha đất đồi, gò hoặc đất nuôi trồng thủy sản;

b) Những hộ chưa đủ đất sản xuất theo định mức nêu tại Quyết định này hoặc không có đất sản xuất, nhưng có nhu cầu về đất để sản xuất, chính quyền địa phương căn cứ theo yêu cầu, khả năng lao động, khả năng phát triển sản xuất của từng hộ để tạo quỹ đất giao trực tiếp cho từng hộ để sản xuất hoặc giao qua các tổ chức như: tổ hợp tác, hợp tác xã để làm kinh tế tập thể;

c) Mức hỗ trợ cho mỗi hộ để có đất sản xuất không quá 20 triệu đồng/hộ, trong đó ngân sách trung ương cấp 10 triệu đồng/hộ và được vay tín dụng với mức không quá 10 triệu đồng/hộ theo hình thức vay tín chấp trong thời gian 5 năm với lãi suất bằng 0%. Với mức hỗ trợ này, tùy thuộc vào giá đất của từng địa phương mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định hỗ trợ cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có diện tích đất nhiều hơn;

d) Các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý bảo vệ rừng, các hợp tác xã được giao nhiệm vụ tổ chức cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất, sẽ được ngân sách trung ương hỗ trợ bình quân 10 triệu đồng/ha để khai hoang, làm đường giao thông, đầu tư lưới điện, xây dựng công trình thủy lợi nhỏ hoặc góp vốn vào hợp tác xã. Đối với các hộ được hỗ trợ bằng vốn góp vào hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, trong thời gian tối thiểu 5 năm, hộ được hỗ trợ không được quyền rút vốn ra khỏi hợp tác xã, tổ hợp tác.

3. Đối với những hộ, lao động chuyển đổi ngành nghề:

Đối với những hộ không có nhu cầu về đất sản xuất hoặc ở những địa phương không còn quỹ đất sản xuất để hỗ trợ bằng đất thì hỗ trợ bằng tiền để họ có điều kiện tự tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề khác.

a) Đối với những hộ có lao động nhưng không có nhu cầu học nghề mà có nhu cầu vốn để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ cho các hộ sản xuất nông nghiệp trong Vùng hoặc cần vốn để làm thêm các ngành nghề khác, tăng thu nhập, được ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/hộ và được hỗ trợ cho vay vốn theo hình thức tín chấp tối đa không quá 10 triệu đồng/hộ trong thời gian 3 năm, với lãi suất bằng 0%;

b) Đối với những lao động có nhu cầu học nghề để đi làm công nhân, đi xuất khẩu lao động... ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí học nghề cho mỗi lao động tối đa 3 triệu đồng/lao động. Mức hỗ trợ tùy thuộc vào từng ngành nghề và thời gian học nghề thực tế;

Ngoài mức hỗ trợ nêu trên, từng địa phương tùy theo khả năng nguồn ngân sách của mình mà quyết định mức hỗ trợ thêm cho đồng bào.

c) Lao động đi xuất khẩu, ngoài mức hỗ trợ để học nghề trước khi đi, còn được vay theo hình thức tín chấp tối đa 20 triệu đồng/người. Mức vay, thời gian vay cụ thể căn cứ vào khả năng và yêu cầu thực tế của từng đối tượng;

d) Những hộ, lao động chuyển đổi ngành nghề, ngoài việc được hưởng các chính sách nêu trên còn được hưởng các chính sách ưu đãi liên quan về dạy nghề theo quy định hiện hành;

đ) Việc hỗ trợ được thực hiện trực tiếp, bằng tiền cho từng đối tượng được hưởng thông qua việc ký kết hợp đồng giữa người đại diện cho người được hưởng lợi (chính quyền, đoàn thể cấp xã, phường) và cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo nghề theo định mức quy định tại Quyết định này;

e) Trường hợp lao động đã được hỗ trợ vốn để đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, nhưng sau khi được đào tạo, không tham gia lao động sẽ không được hưởng các chính sách hỗ trợ vay vốn tìm việc làm, hỗ trợ ổn định cuộc sống được quy định tại Quyết định này.

4. Điều kiện vay vốn:

a) Những hộ, lao động được xét cho vay vốn để phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề phải thuộc đối tượng được quy định tại Quyết định này và phải có phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể được chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội cấp xã, phường xác nhận hoặc hỗ trợ gia đình lập; những người đi lao động nước ngoài vay vốn, ngoài việc xác nhận của chính quyền phường, xã còn có xác nhận của doanh nghiệp đưa người đi xuất khẩu lao động được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động;

b) Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, thông qua tín chấp bằng các tổ chức đoàn thể quần chúng. Người vay không phải trả lãi trong thời gian vay. Mỗi hộ có thể vay một lần hoặc vay nhiều lần, nhưng tổng mức vay các lần không được vượt quá mức quy định; được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính trong việc vay vốn. Thủ tục vay vốn, thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội quy định.

Điều 3. Quỹ đất và nguồn vốn

1. Quỹ đất sản xuất, đất ở:

Quỹ đất sản xuất, đất ở để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại chỗ bao gồm: đất công Nhà nước thu hồi theo quy hoạch, đất thu hồi từ các doanh nghiệp, các ban quản lý rừng đang quản lý nhưng sử dụng kém hiệu quả; đất Nhà nước cho thuê hoặc cho mượn, đất chưa sử dụng, đất thu hồi từ các doanh nghiệp sử dụng sai mục đích hoặc đã giải thể, đất khai hoang, phục hoá, đất được hiến, mua, chuyển nhượng tự nguyện.... Việc thu hồi phải thực hiện theo đúng Luật Đất đai và các quy định hiện hành.

2. Nguồn vốn thực hiện:

a) Ngân sách trung ương bảo đảm cấp vốn cho các địa phương và cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các khoản chi, cho vay theo định mức hỗ trợ quy định tại Quyết định này và hỗ trợ chi phí quản lý bằng 0,5% tổng mức vốn đầu tư cho các địa phương có khó khăn về ngân sách;

b) Ngân sách địa phương bảo đảm hỗ trợ bằng tiền tối thiểu không dưới 20% tổng kinh phí hỗ trợ và vận động từ các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác để bố trí đủ phần vốn còn lại cho các đối tượng được hưởng chính sách theo Quyết định này và chủ động bố trí kinh phí để thực hiện việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với các địa phương khó khăn về ngân sách (phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương) thì được Trung ương hỗ trợ bổ sung: 20% cho các địa phương nhận bổ sung cân đối từ Trung ương trên 70% dự toán chi cân đối ngân sách địa phương 2007; 15% cho các địa phương nhận bổ sung từ 50% - 70%; 10% cho các địa phương nhận bổ sung dưới 50%).

Download file tài liệu để xem thêm chi tiết