Thông tư 115/2013/TT-BTC Hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và Quỹ hưu trí tự nguyện

  • Phát hành Bộ Tài chính
  • Đánh giá
  • Lượt tải 102
  • Sử dụng Miễn phí
  • Dung lượng 214 KB
  • Cập nhật 29/08/2013

Giới thiệu

Thông tư 115/2013/TT-BTC Hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và Quỹ hưu trí tự nguyện do Bộ Tài chính ban hành.

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 115/2013/TT-BTC

Hà Nội, ngày 20 tháng 08 năm 2013

 THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN BẢO HIỂM HƯU TRÍ VÀ QUỸ HƯU TRÍ TỰ NGUYỆN

Căn cứ Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 9/12/2000;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm số 61/2010/QH12 ngày 24/11/2010;

Căn cứ Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện,

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn việc triển khai bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2010.

2. Thông tư này áp dụng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai bảo hiểm hưu trí (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp bảo hiểm) và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Bảo hiểm hưu trí

1. Bảo hiểm hưu trí là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ do doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nhằm cung cấp thu nhập bổ sung cho người được bảo hiểm khi hết tuổi lao động.

2. Bảo hiểm hưu trí bao gồm bảo hiểm hưu trí cho từng cá nhân và bảo hiểm hưu trí cho nhóm người lao động. Trường hợp bảo hiểm hưu trí cho nhóm người lao động (sau đây gọi là bảo hiểm hưu trí nhóm), bên mua bảo hiểm là chủ sử dụng lao động, người lao động sẽ được nhận toàn bộ quyền lợi của hợp đồng bảo hiểm sau một thời hạn nhất định theo thỏa thuận giữa các bên và được ghi nhận tại hợp đồng bảo hiểm.

3. Trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, người được bảo hiểm bắt đầu nhận quyền lợi bảo hiểm hưu trí khi đạt đến tuổi theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, nhưng không dưới 55 (năm mươi lăm) tuổi đối với nữ và 60 (sáu mươi) tuổi đối với nam.

4. Quyền lợi bảo hiểm cơ bản bao gồm quyền lợi hưu trí định kỳ và quyền lợi bảo hiểm rủi ro.

5. Mỗi người được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm hưu trí cá nhân hay hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm có một tài khoản bảo hiểm hưu trí riêng theo quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Quỹ hưu trí tự nguyện

1. Quỹ hưu trí tự nguyện được hình thành từ phí bảo hiểm và là tập hợp các tài khoản bảo hiểm hưu trí của người được bảo hiểm.

2. Khi triển khai bảo hiểm hưu trí, doanh nghiệp bảo hiểm phải thiết lập quỹ hưu trí tự nguyện, theo dõi, tách và hạch toán riêng doanh thu, chi phí, tài sản và nguồn vốn của quỹ hưu trí tự nguyện với các quỹ chủ hợp đồng khác và quỹ chủ sở hữu.

Điều 4. Điều kiện đối với doanh nghiệp bảo hiểm triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí

Khi triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí, doanh nghiệp bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Vốn chủ sở hữu không thấp hơn 1.000 (một nghìn) tỷ đồng;

2. Biên khả năng thanh toán cao hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu 300 (ba trăm) tỷ đồng;

3. Thiết lập quỹ hưu trí tự nguyện theo quy định tại Mục 2 Chương II Thông tư này;

4. Hệ thống công nghệ thông tin theo dõi và quản lý chi tiết từng giao dịch của tài khoản bảo hiểm hưu trí;

5. Tối thiểu 05 (năm) cán bộ trực tiếp quản lý quỹ hưu trí tự nguyện có ít nhất 05 (năm) năm kinh nghiệm quản lý quỹ hưu trí hoặc quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm;

6. Đại lý bán sản phẩm bảo hiểm hưu trí đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 25 Thông tư này;

7. Sản phẩm bảo hiểm hưu trí được Bộ Tài chính phê chuẩn.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

MỤC 1. QUY ĐỊNH VỀ SẢN PHẨM BẢO HIỂM HƯU TRÍ

Điều 5. Quyền lợi bảo hiểm cơ bản của sản phẩm bảo hiểm hưu trí

1. Doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động thiết kế sản phẩm bảo hiểm hưu trí nhưng phải bao gồm quyền lợi hưu trí định kỳ và quyền lợi bảo hiểm rủi ro theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Đối với quyền lợi hưu trí định kỳ, doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo đảm:

a) Quyền lợi hưu trí được chi trả định kỳ đến khi người được bảo hiểm tử vong hoặc tối thiểu 15 (mười lăm) năm, tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm;

b) Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận về mức hưởng quyền lợi hưu trí mỗi kỳ, số kỳ nhận quyền lợi hưu trí;

c) Tính lãi tích lũy từ phần quyền lợi hưu trí chưa chi trả cho bên mua bảo hiểm, nhưng không thấp hơn lãi suất đầu tư cam kết tối thiểu thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

3. Đối với quyền lợi bảo hiểm rủi ro, doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp trong thời hạn đóng phí bảo hiểm và có thể tiếp tục cung cấp quyền lợi này trong thời gian nhận quyền lợi hưu trí, tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Quyền lợi bảo hiểm rủi ro bao gồm tối thiểu các quyền lợi sau:

a) Quyền lợi trợ cấp mai táng:

Khi nhận được yêu cầu thanh toán quyền lợi bảo hiểm tử vong, bất kể thuộc phạm vi bảo hiểm hay không, doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả ngay khoản trợ cấp mai táng cho người thụ hưởng số tiền theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

b) Quyền lợi bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn:

- Khi người được bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn thuộc phạm vi bảo hiểm và trong thời hạn quy định, doanh nghiệp bảo hiểm chi trả cho người thụ hưởng số tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm;

- Bên mua bảo hiểm được lựa chọn số tiền bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm và được điều chỉnh số tiền bảo hiểm trong thời gian hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

Điều 6. Quyền lợi bảo hiểm bổ trợ

1. Ngoài quyền lợi bảo hiểm cơ bản, tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có thể cung cấp thêm các quyền lợi bảo hiểm bổ trợ sau:

a) Quyền lợi điều chỉnh mức hưởng quyền lợi hưu trí định kỳ;

b) Quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp;

c) Quyền lợi chăm sóc y tế;

d) Quyền lợi hỗ trợ nằm viện;

đ) Quyền lợi bảo hiểm cho người phụ thuộc;

e) Quyền lợi bảo hiểm bệnh hiểm nghèo;

g) Quyền lợi bổ trợ khác theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

2. Phương thức đóng phí bảo hiểm của quyền lợi bảo hiểm bổ trợ sẽ do các bên thỏa thuận khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm không được phép khấu trừ phí bảo hiểm của quyền lợi bảo hiểm bổ trợ từ giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí.

Điều 7. Phí bảo hiểm

1. Phí bảo hiểm là khoản đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện định kỳ hoặc một lần theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm hưu trí.

2. Phí bảo hiểm đóng thêm là phần đóng góp ngoài phần phí bảo hiểm định kỳ hoặc một lần đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, để đầu tư vào quỹ hưu trí tự nguyện.

Điều 8. Phí

1. Doanh nghiệp bảo hiểm được khấu trừ các loại phí sau đây:

a) Phí khấu trừ từ phí bảo hiểm thu được, trước khi phân bổ vào tài khoản bảo hiểm hưu trí:

Phí ban đầu là khoản phí dùng để trang trải chi phí phát hành hợp đồng bảo hiểm, chi phí thẩm định bảo hiểm, chi phí kiểm tra y tế, chi hoa hồng đại lý và chi phí khác.

b) Các loại phí khấu trừ từ tài khoản bảo hiểm hưu trí:

- Phí bảo hiểm rủi ro là khoản phí đối với quyền lợi bảo hiểm rủi ro theo cam kết tại hợp đồng bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động lựa chọn bảng tỷ lệ tử vong và bảng tỷ lệ thương tật toàn bộ vĩnh viễn để tính phí bảo hiểm rủi ro. Trong mọi trường hợp, tỷ lệ tử vong áp dụng không cao hơn quy định tại bảng tỷ lệ tử vong CSO 1980 và tỷ lệ thương tật toàn bộ vĩnh viễn không cao hơn 10% bảng tỷ lệ tử vong CSO 1980 quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

- Phí quản lý hợp đồng bảo hiểm là khoản phí để bù đắp chi phí liên quan đến việc duy trì hợp đồng bảo hiểm và cung cấp thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm;

- Phí quản lý quỹ được dùng để chi trả cho các hoạt động quản lý quỹ hưu trí tự nguyện và tối đa không quá 2% giá trị tài sản đầu tư của quỹ trong năm;

- Phí chuyển tài khoản bảo hiểm hưu trí là khoản phí bên mua bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp bảo hiểm hiện đang quản lý tài khoản bảo hiểm hưu trí khi thực hiện chuyển giao tài khoản bảo hiểm hưu trí sang doanh nghiệp bảo hiểm mới.

Phí chuyển tài khoản bảo hiểm hưu trí tối đa không quá 5% giá trị tài khoản chuyển giao đối với hợp đồng bảo hiểm năm đầu tiên, năm thứ 02 (hai) không quá 4%, năm thứ 03 (ba) không quá 3%, năm thứ 04 (tư) không quá 2% và từ năm thứ 05 (năm) trở đi không quá 1%;

- Các loại phí khác (nếu có) phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm phải tính toán chính xác, công bằng và hợp lý các khoản phí nêu trên, phù hợp với sản phẩm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn và thông báo cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm hưu trí.

3. Hợp đồng bảo hiểm hưu trí phải quy định rõ các khoản phí tối đa áp dụng cho bên mua bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải công khai rõ ràng, đầy đủ các loại phí, cách xác định và tỷ lệ các khoản phí áp dụng cho bên mua bảo hiểm trong các tài liệu giới thiệu sản phẩm và tài liệu minh họa bán hàng.

Điều 9. Phê chuẩn việc triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí

1. Doanh nghiệp bảo hiểm phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí.

2. Hồ sơ xin phép triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí bao gồm:

a) Văn bản đề nghị phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm hưu trí theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Phương án và giải trình kế hoạch triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí, bao gồm các nội dung sau:

- Tóm tắt nội dung chính của sản phẩm bảo hiểm hưu trí dự kiến triển khai, bao gồm các thông tin về thị trường mục tiêu của sản phẩm, các quyền lợi bảo hiểm dự kiến cung cấp;

- Địa bàn dự kiến triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí;

- Giải trình cơ sở vật chất kỹ thuật bảo đảm cho việc triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí, bao gồm: hệ thống công nghệ thông tin; hệ thống kế toán; quy trình tuyển chọn, đào tạo, quản lý đại lý phân phối sản phẩm; nội dung và chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm hưu trí; danh sách và hồ sơ của các cán bộ đào tạo đại lý bảo hiểm hưu trí;

- Cơ sở phân bổ các khoản phí bảo hiểm;

- Phương án xử lý của doanh nghiệp bảo hiểm đối với quỹ hưu trí tự nguyện trong các trường hợp: khách hàng yêu cầu trả tiền bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm; khách hàng yêu cầu chuyển giao tài khoản bảo hiểm hưu trí; đáo hạn hợp đồng bảo hiểm và các trường hợp khác theo quy định tại quy tắc, điều khoản; 

c) Cam kết bằng văn bản kèm theo giải trình chi tiết về việc doanh nghiệp bảo hiểm đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư này và văn bằng chứng minh trình độ, năng lực, kinh nghiệm chuyên môn của các cán bộ quản lý quỹ hưu trí tự nguyện;

d) Quy tắc, điều khoản và biểu phí sản phẩm bảo hiểm hưu trí dự kiến triển khai;

đ) Cơ sở kỹ thuật của sản phẩm bảo hiểm hưu trí dự kiến triển khai, trong đó nêu rõ công thức, phương pháp, giải trình cơ sở kỹ thuật để tính phí, dự phòng nghiệp vụ;

e) Tài liệu giới thiệu sản phẩm, tài liệu minh họa bán hàng, mẫu giấy yêu cầu bảo hiểm, mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm và các loại giấy tờ khác mà khách hàng phải kê khai và ký vào khi mua bảo hiểm.

3. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính giải thích rõ lý do.

4. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm xin phép triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí mới ngoài sản phẩm bảo hiểm hưu trí đã được phê chuẩn, hồ sơ xin phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm hưu trí không bao gồm các tài liệu quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều này, trừ trường hợp các tài liệu này có thay đổi so với thời điểm sản phẩm bảo hiểm hưu trí được Bộ Tài chính phê chuẩn trong thời gian trước đó.

Download file tài liệu để xem thêm chi tiết