Thông tư 35/2013/TT-BYT Quy định về thu hồi chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động và đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

  • Phát hành Bộ Y tế
  • Đánh giá
  • Lượt tải 104
  • Sử dụng Miễn phí
  • Dung lượng 178 KB
  • Cập nhật 09/01/2014

Giới thiệu

BỘ Y TẾ
-----------


Số: 35/2013/TT-BYT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------------

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2013

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ THU HỒI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ, GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG VÀ ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN CỦA NGƯỜI HÀNH NGHỀ, CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh,

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về thu hồi chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động và đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

CHƯƠNG 1: QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định:

1. Thủ tục thu hồi chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (sau đây viết tắt là giấy phép hoạt động).

2. Các trường hợp bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (sau đây viết tắt là người hành nghề) và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3. Thủ tục, thời gian đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với:

a) Người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Y tế)

b) Người hành nghề do Bộ Quốc phòng cấp chứng chỉ hành nghề nhưng có đăng ký hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng;

c) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc (trừ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này).

2. Thông tư này không áp dụng đối với:

a) Hành vi vi phạm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hoạt động hoặc bị đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

b) Người có chứng chỉ hành nghề hành nghề do Bộ Quốc phòng cấp đang hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng;

c) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Đình chỉ một phần hoạt động chuyên môn của người hành nghề là việc người hành nghề không được thực hiện một hoặc một số kỹ thuật chuyên môn thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người hành nghề đó.

2. Đình chỉ toàn bộ hoạt động chuyên môn của người hành nghề là việc người hành nghề không được thực hiện bất kỳ kỹ thuật chuyên môn nào thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người hành nghề đó.

3. Đình chỉ một phần hoạt động chuyên môn đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là việc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được thực hiện một hoặc một số kỹ thuật chuyên môn thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong giấy phép hoạt động hoặc tạm dừng toàn bộ hoạt động chuyên môn của một hoặc một số khoa, phòng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.

4. Đình chỉ toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là việc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được thực hiện bất kỳ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nào thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.

CHƯƠNG 2: THỦ TỤC THU HỒI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ, GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Điều 4. Thủ tục thu hồi chứng chỉ hành nghề

1. Khi phát hiện một trong các trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 29 Luật khám bệnh, chữa bệnh, thủ tục thu hồi được thực hiện như sau:

a) Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 26 Luật khám bệnh, chữa bệnh ra quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề theo mẫu quy định tại Phụ lục số 1 của Thông tư này;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề theo dấu tiếp nhận của bưu điện, người hành nghề phải nộp bản gốc chứng chỉ hành nghề cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ra quyết định thu hồi.

Trường hợp cơ quan ra quyết định thu hồi không phải là cơ quan đã cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề đó thì phải có văn bản thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề đó.

c) Cơ quan ra quyết định thu hồi đăng tải thông tin về việc thu hồi chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đó.

2. Trường hợp vi phạm quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 29 Luật khám bệnh, chữa bệnh, trước khi thực hiện thủ tục quy định tại Khoản 1 Điều này phải có kết luận của Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 74, Điều 75 Luật khám bệnh, chữa bệnh xác định người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh.

3. Bộ trưởng Bộ Y tế ủy quyền cho Giám đốc Sở Y tế thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với trường hợp người hành nghề có chứng chỉ hành nghề do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác cấp nhưng có hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý và thông báo về cơ quan có thẩm quyền đã cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề đó.

Điều 5. Thủ tục thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Khi phát hiện một trong các trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 48 Luật khám bệnh, chữa bệnh, thủ tục thu hồi được thực hiện như sau:

a) Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 45 Luật khám bệnh, chữa bệnh ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động theo mẫu quy định tại Phụ lục số 2 của Thông tư này;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi giấy phép hoạt động theo dấu tiếp nhận của bưu điện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải nộp bản gốc giấy phép hoạt động cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ra quyết định thu hồi;

c) Cơ quan ra quyết định thu hồi đăng tải thông tin về việc thu hồi giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đó.

2. Trường hợp vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 48 Luật khám bệnh, chữa bệnh, trước khi thực hiện thủ tục quy định tại Khoản 1 Điều này, phải có kết luận của Đoàn kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền xác định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 43 của Luật khám bệnh, chữa bệnh.

CHƯƠNG 3: CÁC TRƯỜNG HỢP ĐÌNH CHỈ MỘT PHẦN HOẶC TOÀN BỘ HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN CỦA NGƯỜI HÀNH NGHỀ VÀ CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Điều 6. Các trường hợp người hành nghề bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn do sai sót chuyên môn kỹ thuật

1. Người hành nghề vi phạm một trong các quy định tại Khoản 1 Điều 73 Luật khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh đến mức phải bị thu hồi chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 29 của Luật khám bệnh, chữa bệnh thì bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn.

2. Mức độ sai sót chuyên môn kỹ thuật của người hành nghề do Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 74, Điều 75 Luật khám bệnh, chữa bệnh xác định và là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền quyết định đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của người hành nghề.

Điều 7. Các trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn

1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sai sót chuyên môn kỹ thuật hoặc không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại Điều 43 Luật khám bệnh, chữa bệnh phải bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn.

2. Mức độ sai sót chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 74, Điều 75 Luật khám bệnh, chữa bệnh xác định và là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền quyết định đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn trong các trường hợp sau đây:

a) Đình chỉ toàn bộ hoạt động chuyên môn khi không bảo đảm toàn bộ một trong các điều kiện về quy mô, cơ sở vật chất hoặc thiết bị y tế hoặc tổ chức, nhân sự theo quy định tại Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

b) Đình chỉ một phần hoạt động chuyên môn khi không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại Điều 43 Luật khám bệnh, chữa bệnh nhưng không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này.

CHƯƠNG 4: THỦ TỤC, THỜI GIAN ĐÌNH CHỈ MỘT PHẦN HOẶC TOÀN BỘ HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN CỦA NGƯỜI HÀNH NGHỀ VÀ CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Điều 8. Thủ tục đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của người hành nghề

1. Khi phát hiện trường hợp vi phạm quy định tại Điều 6 của Thông tư này, thủ tục đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của người hành nghề được thực hiện như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Y tế ủy quyền cho Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh ra quyết định đình chỉ một phần hoạt động chuyên môn đối với trường hợp người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đang hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ và các bộ, ngành khác theo mẫu quy định tại Phụ lục số 3 của Thông tư này;

b) Bộ trưởng Bộ Y tế ủy quyền cho Giám đốc Sở Y tế ra quyết định đình chỉ một phần hoạt động chuyên môn đối với trường hợp người hành nghề do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc do Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác cấp chứng chỉ hành nghề nhưng có hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này và thông báo bằng văn bản về cơ quan có thẩm quyền đã cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề đó theo mẫu quy định tại Phụ lục số 3 của Thông tư này;

c) Trường hợp cơ quan ra quyết định đình chỉ không phải là cơ quan đã cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề thì phải có văn bản thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề đó;

d) Cơ quan ra quyết định đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của người hành nghề đăng tải thông tin về việc đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đó.

2. Trước khi thực hiện thủ tục quy định tại Khoản 1 Điều này, phải có kết luận về việc người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật của Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 74, Điều 75 Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 9. Thủ tục đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Khi phát hiện trường hợp vi phạm quy định tại Điều 7 Thông tư này, thủ tục đình chỉ đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Y tế ủy quyền cho Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh ra quyết định đình chỉ một phần hoạt động chuyên môn đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế hoặc các Bộ, ngành khác theo mẫu quy định tại Phụ lục số 4 của Thông tư này;

b) Sở Y tế ra quyết định đình chỉ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo mẫu quy định tại Phụ lục số 4 của Thông tư này;

c) Trường hợp cơ quan ra quyết định đình chỉ không phải là cơ quan đã cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải có văn bản thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó;

d) Cơ quan ra quyết định thu hồi đăng tải thông tin về việc đình chỉ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đó.

2. Trước khi thực hiện thủ tục quy định tại Khoản 1 Điều này, phải có kết luận của Hội đồng chuyên môn theo quy định tại Điều 74, Điều 75 Luật khám bệnh, chữa bệnh hoặc Đoàn kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền xác định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 43 Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 10. Thời gian đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Thời gian đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của người hành nghề:

a) Thời gian đình chỉ hoạt động chuyên môn được ghi trong quyết định đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và khả năng khắc phục của người hành nghề nhưng tối đa không quá 24 tháng.

b) Trường hợp người hành nghề bị đình chỉ hoạt động chuyên môn dưới 24 tháng: nếu quá thời gian đình chỉ mà người hành nghề chưa khắc phục được sai sót chuyên môn thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định gia hạn thời gian đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của người hành nghề nhưng tổng thời gian đình chỉ và thời gian gia hạn đình chỉ tối đa không quá 24 tháng hoặc xem xét quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề theo thủ tục quy định tại Điều 4 Thông tư này.

c) Trường hợp người hành nghề bị đình chỉ hoạt động chuyên môn 24 tháng: nếu đủ thời gian đình chỉ 24 tháng mà người hành nghề không khắc phục được sai sót chuyên môn kỹ thuật thì đối với người hành nghề bị đình chỉ toàn bộ hoạt động chuyên môn phải bị thu hồi chứng chỉ hành nghề theo thủ tục quy định tại Điều 4 Thông tư này; đối với người hành nghề bị đình chỉ một phần hoạt động chuyên môn phải làm thủ tục xin cấp lại chứng chỉ hành nghề để thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn.

2. Thời gian đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

a) Thời gian đình chỉ hoạt động chuyên môn được ghi trong quyết định đình chỉ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và khả năng khắc phục của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng tối đa không quá 12 tháng.

b) Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị đình chỉ hoạt động chuyên môn dưới 12 tháng:

Nếu quá thời gian đình chỉ mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa khắc phục được sai sót chuyên môn thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định gia hạn thời gian đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng tổng thời gian đình chỉ và thời gian gia hạn đình chỉ tối đa không quá 12 tháng hoặc xem xét quyết định thu hồi giấy phép hoạt động theo thủ tục quy định tại Điều 5 Thông tư này.

c) Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị đình chỉ hoạt động chuyên môn 12 tháng:

Nếu đủ thời gian đình chỉ 12 tháng mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không khắc phục được sai sót chuyên môn kỹ thuật thì đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị đình chỉ toàn bộ hoạt động chuyên môn phải bị thu hồi giấy phép hoạt động theo thủ tục quy định tại Điều 5 Thông tư này; đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị đình chỉ một phần hoạt động chuyên môn phải làm thủ tục xin cấp lại giấy phép hoạt động để thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn.

Điều 11. Thủ tục cho phép người hành nghề được tiếp tục hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sau khi bị đình chỉ hoạt động chuyên môn

1. Hồ sơ đề nghị cho phép người hành nghề tiếp tục hoạt động chuyên môn bao gồm:

a) Đơn đề nghị được tiếp tục hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao có chứng thực chứng chỉ hành nghề;

c) Báo cáo về việc khắc phục sai sót chuyên môn kỹ thuật của người hành nghề;

d) Giấy chứng nhận cập nhật kiến thức y khoa liên tục về chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến sai sót chuyên môn kỹ thuật của người hành nghề trong thời gian bị đình chỉ hoạt động chuyên môn;

đ) Bản sao có chứng thực giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp đối với người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

2. Thủ tục cho phép người hành nghề tiếp tục hành nghề khám bệnh, chữa bệnh:

a) Người hành nghề gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này về cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ra quyết định đình chỉ hoạt động chuyên môn;

b) Sau khi nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền gửi cho người hành nghề Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành thẩm định hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản thông báo cho người hành nghề để hoàn chỉnh hồ sơ, trong đó phải nêu cụ thể tài liệu cần bổ sung, nội dung cần sửa đổi. Sau khi nhận được hồ sơ bổ sung, cơ quan nhà nước có thẩm quyền gửi cho người hành nghề Phiếu tiếp nhận hồ sơ bổ sung theo quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này; trường hợp hồ sơ vẫn chưa hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục yêu cầu người hành nghề bổ sung cho đến khi hoàn thiện hồ sơ;

d) Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải ra quyết định cho phép người hành nghề tiếp tục hoạt động chuyên môn; nếu không cho phép người hành nghề tiếp tục hoạt động chuyên môn thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

đ) Cơ quan ra quyết định cho phép người hành nghề tiếp tục hoạt động chuyên môn đăng tải thông tin về việc cho phép người hành nghề tiếp tục hoạt động chuyên môn trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đó và có văn bản thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề đó trong trường hợp cơ quan đã ra quyết định cho phép người hành nghề tiếp tục hoạt động chuyên môn không phải là cơ quan đã cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề đó.

Điều 12. Thủ tục cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tiếp tục hoạt động khám bệnh, chữa bệnh sau khi bị đình chỉ hoạt động chuyên môn kỹ thuật

1. Hồ sơ đề nghị cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục hoạt động chuyên môn bao gồm:

a) Đơn đề nghị được tiếp tục hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Báo cáo về việc khắc phục sai sót chuyên môn kỹ thuật hoặc các biện pháp đã thực hiện để bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 43 Luật khám bệnh, chữa bệnh và các tài liệu liên quan;

c) Bản sao có chứng thực giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Thủ tục cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục hoạt động chuyên môn:

a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này về cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ra quyết định đình chỉ hoạt động chuyên môn;

b) Sau khi nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền gửi cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phiếu tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành thẩm định hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản thông báo cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hoàn chỉnh hồ sơ, trong đó phải nêu cụ thể tài liệu cần bổ sung, nội dung cần sửa đổi. Sau khi nhận được hồ sơ bổ sung, cơ quan nhà nước có thẩm quyền gửi cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Phiếu tiếp nhận hồ sơ bổ sung theo quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này; trường hợp hồ sơ vẫn chưa hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục yêu cầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bổ sung cho đến khi hoàn thiện hồ sơ;

d) Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải ra quyết định cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục hoạt động chuyên môn; nếu không cho phép tiếp tục hoạt động chuyên môn thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ thành lập đoàn thẩm định việc khắc phục sai sót chuyên môn kỹ thuật hoặc các biện pháp đã thực hiện để bảo đảm điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

đ) Cơ quan ra quyết định cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục hoạt động chuyên môn đăng tải thông tin về việc cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục hoạt động chuyên môn trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đó và có văn bản thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó trong trường hợp cơ quan đã ra quyết định cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục hoạt động chuyên môn không phải là cơ quan đã cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.

CHƯƠNG 5: TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH VÀ NGƯỜI HÀNH NGHỀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Điều 13. Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Ngay khi quyết định thu hồi giấy phép hoạt động có hiệu lực, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện các nội dung sau:

a) Không được thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh dưới mọi hình thức;

b) Báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp về số lượng người bệnh, tình trạng người bệnh và kế hoạch, phương án chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có đủ điều kiện để tiếp tục khám và điều trị cho người bệnh;

c) Có trách nhiệm tổ chức và thực hiện các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người bệnh và chuyển người bệnh hiện đang khám và điều trị tại cơ sở mình đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có đủ điều kiện để tiếp tục khám và điều trị cho người bệnh;

d) Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được quyết định thu hồi, người đứng đầu hoặc đại diện hợp pháp của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm nộp lại bản gốc của giấy phép hoạt động cho cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định thu hồi.

2. Ngay khi quyết định đình chỉ hoạt động chuyên môn có hiệu lực, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện các nội dung sau:

a) Không được thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

b) Báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp về số lượng, tình trạng người bệnh, phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người bệnh và kế hoạch chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác đủ điều kiện để tiếp tục khám và điều trị cho người bệnh;

c) Có trách nhiệm tổ chức và thực hiện các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người bệnh hoặc chuyển người bệnh hiện đang khám và điều trị tại cơ sở mình đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có đủ điều kiện để tiếp tục khám và điều trị cho người bệnh.

Điều 14. Trách nhiệm của người hành nghề

1. Ngay khi quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề có hiệu lực, người hành nghề phải thực hiện các nội dung sau:

a) Không được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh dưới mọi hình thức;

b) Trường hợp tại thời điểm nhận được quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề, người hành nghề đang có người bệnh do mình chăm sóc, điều trị thì phải có trách nhiệm giới thiệu hoặc chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có đủ điều kiện tiếp tục khám và điều trị để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho người bệnh;

c) Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được quyết định thu hồi, người hành nghề có trách nhiệm nộp lại bản gốc của chứng chỉ hành nghề cho cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định thu hồi.

2. Ngay khi quyết định đình chỉ hoạt động chuyên môn có hiệu lực, người hành nghề phải thực hiện các nội dung sau:

a) Không được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến phạm vi hoạt động chuyên môn bị đình chỉ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

b) Trường hợp tại thời điểm nhận được quyết định đình chỉ hoạt động chuyên môn, người hành nghề đang có người bệnh do mình chăm sóc, điều trị thì phải có trách nhiệm giới thiệu hoặc chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có đủ điều kiện tiếp tục khám và điều trị để bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho người bệnh.

CHƯƠNG 6: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 12 năm 2013.

Điều 16. Điều khoản tham chiếu

Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư này bị thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo văn bản đã được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung.

Điều 17. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng cơ quan y tế các Bộ, ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Y tế để nghiên cứu, giải quyết./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (Phòng Công báo; Cổng TTĐTCP);
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra VBQPPL);
- Các Thứ trưởng Bộ Y tế;
- Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế;
- Y tế các Bộ, ngành;
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Cổng TTĐT Bộ Y tế;
- Lưu: VT, PC, KCB (05 bản).

BỘ TRƯỞNG

 

 

Nguyễn Thị Kim Tiến

PHỤ LỤC 1

MẪU QUYẾT ĐỊNH THU HỒI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
(Ban hành kèm theo Thông tư số 35/2013/TT - BYT Ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

BỘ Y TẾ
-----------


Số:    /QĐ - BYT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------------

QUYẾT ĐỊNH

Thu hồi chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh;

Căn cứ Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

Căn cứ Thông tư số /2013/TT-BYT ngày tháng năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định về thu hồi chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động và đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (hoặc Cục Quản lý y dược cổ truyền),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thu hồi chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh số……[1]……..của Ông/ Bà…[2]….

Điều 2. Lý do thu hồi chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh:…… ………

Điều 3. Ông/ Bà có tên tại Điều 1 không được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh kể từ ngày ….tháng….năm …..

Điều 4. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 5. Các Ông/ Bà Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (hoặc Cục Quản lý Y dược cổ truyền - đối với người hành nghề y học cổ truyền) và các Ông/ Bà có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Cơ quan đã cấp CCHN (nếu có);
- Lưu:…

…[3]……., ngày        tháng      năm 20….

BỘ TRƯỞNG …

(Ký tên, đóng dấu)

Download tài liệu để xem chi tiết.