Thông tư số 42/2012/TT-BGTVT Quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong công tác đăng kiểm

Giới thiệu

Thông tư số 42/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải: Quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong công tác đăng kiểm. 

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

-----------------

Số: 42/2012/TT-BGTVT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------------

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2012

 THÔNG TƯ
Quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong công tác đăng kiểm
------------------------

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 05 năm 2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức;

Căn cứ Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06 tháng 04 năm 2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức;

Căn cứ Nghị định số 41/CP ngày 06 tháng 07 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất và Nghị định số 33/2003/NĐ-CP ngày 02 tháng 04 năm 2003 của Chính phủ bổ sung một số điều của Nghị định số 41/CP ngày 06 tháng 07 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 04 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong công tác đăng kiểm.

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong công tác đăng kiểm mà không phải hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự, bao gồm: công tác quản lý, đào tạo cán bộ đăng kiểm và thẩm định thiết kế, kiểm tra, thử nghiệm, đánh giá, kiểm định, chứng nhận, lập và cấp phát ấn chỉ, hồ sơ đăng kiểm liên quan đến chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường phương tiện giao thông và phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng, công-ten-nơ, nồi hơi và bình chịu áp lực sử dụng trong giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí biển, an ninh tàu biển.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác đăng kiểm trong phạm vi toàn quốc.

2. Thông tư này không áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác đăng kiểm của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kiểm định bao gồm thẩm định thiết kế, kiểm tra, thử nghiệm, đánh giá, kiểm định, chứng nhận, lập và cấp phát ấn chỉ, hồ sơ đăng kiểm liên quan đến chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường phương tiện giao thông và phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng, công-ten-nơ, nồi hơi và bình chịu áp lực sử dụng trong giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí biển, an ninh tàu biển.

2. Công tác đăng kiểm bao gồm công tác quản lý, đào tạo cán bộ đăng kiểm và kiểm định.

3. Nhóm kiểm định bao gồm tổ, đội, ban, dây chuyền, chi nhánh đăng kiểm thực hiện nhiệm vụ kiểm định cụ thể.

4. Trưởng nhóm kiểm định là người được thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm làm trưởng nhóm kiểm định.

5. Đơn vị đăng kiểm bao gồm chi cục, trung tâm, phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam và phòng, ban, trạm đăng kiểm, trung tâm đăng kiểm, công ty đăng kiểm trực thuộc các Sở Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kiểm định; các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới xã hội hóa.

6. Cơ quan tham mưu nghiệp vụ là phòng, trung tâm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam được phân công quản lý kiểm định, đào tạo cán bộ đăng kiểm.

7. Cán bộ đăng kiểm là đăng kiểm viên, đánh giá viên, nhân viên nghiệp vụ thực hiện, kiểm định.

Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN
CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC ĐĂNG KIỂM

Mục 1
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Điều 4. Trách nhiệm của nhóm kiểm định

1. Thực hiện công việc kiểm định theo quy định, đúng thẩm quyền được giao.

2. Kiểm tra, kiểm soát quá trình kiểm định và kết quả kiểm định trong nhóm kiểm định để đảm bảo tuân thủ đúng quy định.

Điều 5. Trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm

1. Tổ chức việc công khai các thủ tục, quy trình kiểm định tại trụ sở đơn vị để khách hàng được biết và giám sát thực hiện.

2. Tổ chức thực hiện kiểm định tại đơn vị theo quy định, đúng thẩm quyền được giao.

3. Tổ chức phân công nhiệm vụ kiểm định tại đơn vị phù hợp với năng lực, giấy chứng nhận, chứng chỉ của cán bộ đăng kiểm.

4. Đảm bảo về nguồn nhân lực phục vụ kiểm định tại đơn vị theo quy định.

5. Đảm bảo trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ kiểm định và bảo hộ lao động theo quy định; duy trì tình trạng thiết bị, dụng cụ kiểm định bảo đảm tính chính xác của các kết quả đo và thử nghiệm.

6. Kiểm tra, kiểm soát quá trình và kết quả kiểm định, cấp hồ sơ đăng kiểm trong đơn vị đảm bảo đúng quy định.

7. Tổ chức thu phí, lệ phí đúng quy định.

Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan tham mưu nghiệp vụ

1. Tham mưu cho Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác đăng kiểm theo lĩnh vực được phân công trong phạm vi cả nước.

2. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn nghiệp vụ và các văn bản khác trình cấp có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn các đơn vị đăng kiểm triển khai thực hiện kiểm định theo lĩnh vực được phân công.

3. Thẩm định các hồ sơ kỹ thuật, các loại giấy chứng nhận, trình Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam ký hoặc ký theo thẩm quyền.

4. Tổ chức việc kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện các vi phạm theo lĩnh vực được phân công, trình Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam xem xét và quyết định các biện pháp xử lý, khắc phục và phòng ngừa.

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải hoặc cơ quan cấp trên khác của đơn vị đăng kiểm

Chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm trực thuộc theo các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn nghiệp vụ có liên quan của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Điều 8. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam

1. Tổ chức thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác đăng kiểm.

2. Chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm trực thuộc theo các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn nghiệp vụ có liên quan.

Mục 2
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁ NHÂN

Điều 9. Trách nhiệm của cán bộ đăng kiểm

1. Chịu trách nhiệm trước thủ trưởng trực tiếp và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được phân công.

2. Đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành về tiêu chuẩn đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ.

3. Thực hiện đầy đủ công việc được giao, tuân thủ đúng các quy định, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan trong kiểm định.

4. Đảm bảo tính trung thực, khách quan, chính xác khi thực hiện kiểm định.

5. Thực hiện đúng quy định về quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp khi tiếp xúc với khách hàng.

6. Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, cố ý làm sai lệch kết quả kiểm định, làm trái với quy định.

7. Không tiến hành các công tác đăng kiểm khi bản thân hoặc gia đình có lợi ích liên quan đến đối tượng trực tiếp kiểm định.

8. Kịp thời báo cáo những sai phạm trong kiểm định tới cấp có thẩm quyền.

9. Tính và thu phí, lệ phí theo quy định. 

Điều 10. Trách nhiệm của trưởng nhóm kiểm định

1. Chịu trách nhiệm trước thủ trưởng đơn vị đăng kiểm và trước pháp luật về việc thực hiện kiểm định được phân công của nhóm kiểm định.

2. Tổ chức thực hiện và kiểm soát công việc kiểm định của nhóm kiểm định đảm bảo đúng quy định.

Điều 11. Trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị đăng kiểm

1. Chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải hoặc thủ trưởng cơ quan cấp trên khác và trước pháp luật về công tác đăng kiểm được phân công.

2. Tổ chức thực hiện và kiểm soát việc thực hiện công tác đăng kiểm tại đơn vị đảm bảo đúng quy định.

Điều 12. Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan tham mưu nghiệp vụ

1. Chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam và trước pháp luật về công tác đăng kiểm theo lĩnh vực được phân công.

2. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát công tác đăng kiểm theo lĩnh vực được phân công đảm bảo đúng quy định.

Điều 13. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Giao thông vận tải hoặc thủ trưởng cơ quan cấp trên khác của đơn vị đăng kiểm

1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hoặc cơ quan cấp trên khác và trước pháp luật về việc tổ chức thực hiện kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm trực thuộc.

2. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát và có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm của cơ quan, tổ chức và cán bộ đăng kiểm trong kiểm định theo thẩm quyền.

Điều 14. Trách nhiệm của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam

1. Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và trước pháp luật về quản lý Nhà nước công tác đăng kiểm.

2. Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và trước pháp luật về việc tổ chức thực hiện kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm trực thuộc.

3. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát công tác đăng kiểm trên phạm vi toàn quốc và có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm của cơ quan, tổ chức và cán bộ đăng kiểm trong công tác đăng kiểm theo thẩm quyền.

Download file tài liệu để xem thêm chi tiết