Công văn 15075/BTC-TCCB Hướng dẫn xếp lương theo Thông tư 05/2017/TT-BNV
- Phát hành Bộ Tài chính
- Lượt tải 310
- Sử dụng Miễn phí
- Cập nhật 06/12/2017
Giới thiệu
Bộ Tài chính vừa ban hành Công văn 15075/BTC-TCCB hướng dẫn xếp lương theo Thông tư 05/2017/TT-BNV sửa đổi Thông tư 11/2014/TT-BNV và 13/2010/TT-BNV về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn, bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với ngạch công chức chuyên ngành hành chính. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo và tải Công văn 15075/BTC-TCCB tại đây.
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15075/BTC-TCCB |
Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2017 |
Kính gửi: |
- Tổng cục Hải quan; |
Căn cứ Thông tư số 05/2017/TT-BNV ngày 15/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2014/TT-BNV ngày 9/10/2014 và Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn, bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và việc tổ chức thi nâng ngạch công chức (sau đây gọi là Thông tư số 05/2017/TT-BNV), Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung liên quan đến việc xếp lương, cụ thể như sau:
I. Đối với ngạch cán sự
1. Công chức tốt nghiệp trình độ cao đẳng phù hợp với vị trí công việc đang làm thì được bổ nhiệm vào ngạch cán sự (mới), nếu đang xếp lương theo công chức loại A0 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP thì tiếp tục xếp lương theo công chức loại A0 đó.
2. Công chức tốt nghiệp trình độ cao đẳng phù hợp với vị trí công việc đang làm thì được bổ nhiệm vào ngạch cán sự (mới), nếu đang xếp lương theo công chức loại B ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP thì được xếp lại lương theo hướng dẫn tại Khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển loại công chức, viên chức, cụ thể như sau:
- Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cán sự (cũ) để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch cán sự (mới). Thời gian hưởng lương ở ngạch cán sự (mới) được tính từ ngày 1/10/2017.
Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch cán sự (mới) được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch cán sự (mới) so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cán sự (cũ) bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cán sự (cũ), thì được tính kể từ ngày 1/10/2017; nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cán sự (cũ).
- Trường hợp đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cán sự (cũ) để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch cán sự (mới). Thời gian hưởng lương ở ngạch cán sự (mới) và thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch cán sự (mới) được tính kể từ ngày 1/10/2017.
- Trường hợp có tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cán sự (cũ) lớn hơn hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch cán sự (mới), thì xếp vào hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch cán sự (mới) và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cán sự (cũ). Thời gian hưởng lương ở ngạch cán sự (mới) (kể cả hệ số chênh lệch bảo lưu) và thời gian xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cán sự (mới) được tính kể từ ngày 1/10/2017.
Ví dụ 1: ông Nguyễn Văn A đang hưởng lương ở bậc 1, ngạch cán sự (mã ngạch 01.004), hệ số lương 1,86, thời điểm tính nâng bậc lương lần sau kể từ ngày 01/10/2016. Ông A có bằng cao đẳng với chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm nên được xếp vào bậc 1 của ngạch A0, hệ số lương 2,10, kể từ ngày 1/10/2017. Hệ số chênh lệch 2,10 so với 1,86 là (2,10 - 1,86) = 0,24, lớn hơn so với 2 bậc liền kề của ngạch cũ là 2,06 - 1,86 = 0,2, do đó thời điểm tính nâng bậc lương thường xuyên lần sau được tính từ ngày 1/10/2017.
Ví dụ 2: ông Nguyễn Văn B đang hưởng lương ở bậc 3, ngạch cán sự (mã ngạch 01.004), hệ số lương 2,26, thời điểm tính nâng bậc lương lần sau kể từ ngày 01/10/2016. Ông B có bằng cao đẳng với chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm nên được xếp vào bậc 2 của ngạch A0, hệ số lương 2,41. Hệ số chênh lệch 2,41 so với 2,26 là (2,41 - 2,26) = 0,15, nhỏ hơn so với 2 bậc liền kề của ngạch cũ là 2,46 - 2,26 = 0,2, do đó thời điểm tính nâng bậc lương thường xuyên lần sau được tính từ ngày 01/10/2016 (thời điểm tính nâng bậc lương lần sau tính kể từ ngày xếp hệ số lương ở ngạch cán sự (cũ).
(Chi tiết theo Phụ lục 01 đính kèm)
3. Trường hợp công chức chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng phù hợp với vị trí công việc đang làm nhưng đã được bổ nhiệm vào ngạch cán sự (cũ) và đang xếp lương theo công chức loại B ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP thì tiếp tục xếp lương theo công chức loại B đó trong thời hạn 06 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Trong thời hạn 06 năm này, cơ quan sử dụng công chức phải bố trí cho công chức học tập nâng cao trình độ để đủ tiêu chuẩn của ngạch cán sự (mới); khi công chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện ở ngạch cán sự (mới) thì cơ quan sử dụng công chức báo cáo cơ quan quản lý công chức để xem xét, quyết định bổ nhiệm vào ngạch cán sự (mới). Trường hợp công chức được cử đi học tập nâng cao trình độ mà không tham gia học tập hoặc kết quả học tập không đạt yêu cầu thì cơ quan sử dụng công chức báo cáo cơ quan quản lý công chức xem xét bố trí lại công việc cho phù hợp với trình độ đào tạo hoặc thực hiện tinh giản biên chế.
II. Đối với ngạch nhân viên
1. Mã ngạch nhân viên
Theo quy định tại Thông tư số 11/2014/TT-BNV ngày 09/10/2014 của Bộ Nội vụ Quy định chức danh, mã số ngạch công chức và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành hành chính, mã ngạch 01.005 (thay thế ngạch và mã số ngạch tại Quyết định số 78/2004/QĐ-BNV ngày 03/11/2004 của Bộ Nội vụ), bao gồm: Kỹ thuật viên đánh máy (mã số ngạch 01.005); Nhân viên đánh máy (mã số ngạch 01.006); Nhân viên kỹ thuật (mã số ngạch 01.007); Nhân viên văn thư (mã số ngạch 01.008); Nhân viên phục vụ (mã số ngạch 01.009); Nhân viên bảo vệ (mã số ngạch 01.011).
Theo đó, đề nghị Thủ trưởng các đơn vị theo phân cấp, thực hiện việc chuyển đổi các ngạch nêu trên sang ngạch nhân viên cho phù hợp.
2. Cách chuyển xếp lương
- Đối với các đối tượng đảm nhiệm vị trí công việc thừa hành, phục vụ đã được tuyển dụng vào làm công chức theo quy định của pháp luật, có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên và đang xếp lương theo công chức loại B ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP thì tiếp tục được xếp lương theo công chức loại B đó.
- Đối với các đối tượng đảm nhiệm vị trí công việc thừa hành, phục vụ đã được tuyển dụng vào làm công chức theo quy định của pháp luật, có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên và đang xếp lương theo ngạch nhân viên của Bảng 4 (Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của nhà nước) thì được xếp lại lương theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ Hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức (Cách xác định thời gian hưởng lương ở ngạch nhân viên (mới) và thời gian xét nâng bậc lương lần sau tương tự như hướng dẫn tại mục I nêu trên).
- Trường hợp công chức chưa có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên phù hợp với vị trí công việc đang làm thì tiếp tục được xếp lương theo ngạch nhân viên hiện hưởng của Bảng 4 (Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP trong thời hạn 06 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Trong thời hạn 06 năm này, cơ quan sử dụng công chức phải bố trí cho công chức học tập nâng cao trình độ để đủ tiêu chuẩn của ngạch nhân viên (mới); khi công chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện ở ngạch nhân viên (mới) thì cơ quan sử dụng công chức báo cáo cơ quan quản lý công chức để xem xét, quyết định bổ nhiệm vào ngạch nhân viên (mới). Trường hợp công chức được cử đi học tập nâng cao trình độ mà không tham gia học tập hoặc kết quả học tập không đạt yêu cầu thì cơ quan sử dụng công chức báo cáo cơ quan quản lý công chức xem xét thực hiện tinh giản biên chế.
(Chi tiết theo Phụ lục 02 đính kèm)
3. Đối tượng nhân viên không chuyển xếp lương sang công chức loại B.
(1) Nhân viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/ 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp thì được áp dụng xếp lương theo Bảng 4 (Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004.
(2) Nhân viên lái xe cơ quan thì phải có bằng lái xe được cơ quan có thẩm quyền cấp và tiếp tục xếp lương nhân viên lái xe của Bảng 4 (Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.
III. Tổ chức thực hiện
1. Thẩm quyền thực hiện việc xếp lương cụ thể như sau:
- Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện việc xếp lương vào ngạch cán sự (mới), nhân viên (mới) đối với công chức thuộc cơ quan Bộ.
- Tổng cục trưởng và tương đương thực hiện việc xếp lương vào ngạch cán sự (mới), nhân viên (mới) đối với công chức thuộc cơ quan Tổng cục.
- Cục trưởng và tương đương tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc xếp lương vào ngạch cán sự (mới), nhân viên (mới) đối với công chức thuộc Cục và tương đương.
2. Thủ trưởng đơn vị tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về việc xếp lương ở ngạch cán sự (mới), nhân viên (mới) đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật; không kết hợp việc chuyển xếp lương với việc nâng ngạch, nâng lương và hoàn thành trước ngày 31/12/2017.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị có văn bản gửi về Bộ Tài chính (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để tổng hợp, xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG |